Thời sự và bàn luận

Nhận thức và hành động phòng, chống sốt xuất huyết

08:46, 01/12/2022 (GMT+7)

Câu chuyện một bệnh nhân tử vong sau 5 ngày mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Đà Nẵng là cảnh báo đáng lo ngại về mức độ lây lan, diễn biến nhanh của bệnh và nguy cơ mà người dân đang đối mặt hiện nay.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus có trong muỗi gây ra, phát triển theo chu kỳ, trong đó thời tiết mưa nắng thất thường, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi, phát triển. Các chiến dịch truyền thông phòng, chống SXH luôn được chủ động triển khai đồng bộ từ các đơn vị, ngành, đến các địa phương, tổ dân phố. Nhưng trên thực tế, dịch SXH vẫn cứ “đến hẹn lại lên”, thành phố tốn rất nhiều nguồn lực như con người, hóa chất, thuốc… để phòng, chống, dập dịch. Điều đó cho thấy tính hiệu quả trong phòng, chống dịch SXH vẫn chưa cao. Cụ thể là đến thời điểm cuối tháng 11 năm nay, số ca mắc SXH tại thành phố đã cao gấp 15,3 so với cùng kỳ năm 2021.

Theo chia sẻ của cán bộ y tế dự phòng, nếu bây giờ hỏi kiến thức liên quan đến phòng, chống SXH, chắc chắn phần lớn các đơn vị, sở, ngành, địa phương và người dân đều nắm rất rõ, nhất là cơ chế sinh sôi, phát triển của muỗi và giải pháp xử lý các ổ dịch. “Không có lăng quăng, bọ gậy - không có muỗi vằn - không có sốt xuất huyết” trở thành phương châm, mục tiêu trong kế hoạch phòng, chống SXH. Điều đó khẳng định một lần nữa vai trò của cộng đồng, mỗi người dân trong phòng, chống SXH là rất lớn. Ngăn chặn muỗi sinh sôi được xem là giải pháp tối ưu, hiệu quả, tiết kiệm nhất. Môi trường sống của muỗi đơn giản là trong chum  nước mưa đọng lại sau nhà, chậu cây cảnh, thậm chí bình hoa tươi trang trí chứa đầy nước trong mỗi gia đình. Việc phun hóa chất các ổ dịch cũng chỉ là giải pháp tình thế, không được xem là ưu tiên vì tốn kém và chỉ có tính hiệu quả tạm thời.

So với mọi năm, ngành y tế cùng các địa phương đã phối hợp, xây dựng các đội xung kích diệt lăng quăng, bọ gậy với sự tham gia của nhân viên y tế, cộng tác viên y tế - dân số, cán bộ địa phương, tổ trưởng, tổ phó. Mục đích là tăng cường giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số cán bộ địa phương, hôm trước thực hiện nhưng hôm sau lại đâu vào đấy! Nhân viên y tế, cán bộ liên quan ngày qua ngày vẫn đi nhắc nhở những chuyện đã cũ như dọn vệ sinh, lật các vật dụng chứa nước, phát quang bụi rậm… Thậm chí, khi nhân viên y tế phun hóa chất thì ngăn cản, không hợp tác. Điều đó cho thấy, tính chủ động tự giác từ cộng đồng, từ mỗi gia đình, người dân trong phòng, chống SXH vẫn chưa cao.

Số ca mắc SXH trở nặng cũng tăng mạnh trong thời gian qua thể hiện mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và sự chủ quan của người trong cuộc. Một trong những triệu chứng dễ nhận thấy của SXH là sốt cao. Các bác sĩ nhận định, nhiều bệnh nhân SXH đã chủ quan, nhất là người trẻ vốn khỏe mạnh, không để ý các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh. Khi được chuyển đến bệnh viện điều trị thì đã muộn, nếu được cứu chữa cũng trải qua quá trình điều trị kéo dài. Bởi SXH nặng sẽ dẫn đến sốc SXH, tổn thương đa cơ quan buộc các bác sĩ phải áp dụng nhiều kỹ thuật như: đặt nội khí quản thở máy, lọc máu, truyền nhiều chế phẩm máu như tiểu cầu, huyết tương, thuốc chống sốc… Chi phí điều trị ca mắc SXH nặng vì thế có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

UBND thành phố xác định phòng, chống SXH là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, địa phương và mỗi người dân. Các chiến dịch ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy được triển khai với mức độ, tần suất nhiều hơn. UBND các quận, huyện cũng trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị, tổ chức đóng trên địa bàn có trách nhiệm với công tác phòng, chống SXH tại cơ quan của mình, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Nhưng quan trọng hơn cả, để phòng, chống dịch bền vững và hiệu quả, chính là thay đổi nhận thức và hành động của cá nhân mỗi người dân.

PHAN CHUNG

.