Thời sự và bàn luận
Thành quả từ 15 năm xây dựng thành phố môi trường
Những ngày đầu năm 2023, Đà Nẵng đón nhận tin vui khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) công bố kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước với tổng điểm đánh giá theo bộ chỉ số PEPI là 79,82 điểm. Đây là “quả ngọt” mà thành phố gặt hái được từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt 15 năm xây dựng “Thành phố môi trường”.
Trước đó, ngày 31-12-2021, Bộ TN&MT phê duyệt kết quả thực hiện bộ chỉ số PEPI, trong đó, Đà Nẵng là một trong 5 tỉnh, thành phố được xếp hạng ở mức tốt - mức cao nhất. Qua đánh giá, lần này, Đà Nẵng có 9/9 chỉ số trong bộ chỉ số PEPI có kết quả tăng hoặc diễn biến tốt hơn so với năm 2021. Trong đó, có một số chỉ số tăng hoặc diễn biến tốt cao gấp 3-5 lần như tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt 6,15%; tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT địa phương theo quy định của pháp luật đạt 54,35%... Thành phố Đà Nẵng cũng có 11 chỉ số có kết quả không đổi, trong đó có 9 chỉ số duy trì đạt ở tỷ lệ 100%.
Khi đối chiếu, so sánh, dễ dàng nhận thấy, 31 tiêu chí của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 do UBND thành phố ban hành vào tháng 4-2021 có nhiều điểm tương đồng với bộ chỉ số PEPI. Việc xếp hạng Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về kết quả đánh giá theo bộ chỉ số PEPI là sự ghi nhận của Bộ TN&MT, cùng những nỗ lực của thành phố trong chặng đường đã qua. Bộ TN&MT nhiều lần đánh giá cao những kết quả đạt được và những chuyển biến tích cực của Đà Nẵng trong trong giai đoạn đầu xây dựng “Thành phố môi trường” giai đoạn 2008-2020. Đặc biệt, khi Đà Nẵng được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vinh danh là một trong 11 thành phố bền vững về môi trường của khu vực Đông Nam Á vào năm 2011.
Mô hình “Thành phố môi trường” của Đà Nẵng được nghiên cứu, học tập từ nhiều thành phố của các nước tiên tiến trên thế giới, nhất là thành phố Yokohama, một thành phố môi trường kiểu mẫu của Nhật Bản. Với việc triển khai thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng quyết tâm phấn đấu mục tiêu trở thành thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái. Bộ TN&MT cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng với chủ trương hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường...
Trong hai năm qua, thành phố tích cực triển khai thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 cũng như thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Toàn thành phố phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa; bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, chủ động thu hút các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực quản lý Nhà nước của ngành TN&MT, nhất là công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương. Với hơn 88 nhiệm vụ được triển khai trong năm 2022, tương ứng với nguồn lực tài chính hơn 3.418 tỷ đồng (chưa kể các dự án quốc tế tài trợ), các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện.
Hiện nay, Đà Nẵng đang hoàn thiện dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi được hội đồng quy hoạch tỉnh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua vào cuối tháng 12-2022.
Quy hoạch này đặt trọng tâm vào các phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố để hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố môi trường. Đồng thời, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm định hướng; lấy việc duy trì các điều kiện tự nhiên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm; hình thành các vùng bảo vệ nghiêm ngặt, các vùng hạn chế phát thải phù hợp với định hướng tổ chức không gian kinh tế - xã hội...
Có thể thấy, việc dẫn đầu cả nước về kết quả thực hiện bộ chỉ số PEPI không chỉ là quả ngọt từ 15 năm xây dựng thành phố môi trường, mà còn khẳng định Đà Nẵng đang đi đúng hướng trên lộ trình trở thành thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái.
HOÀNG HIỆP