Thời sự và bàn luận
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng
Nghị quyết số 43/NQ-TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030 “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Tầm nhìn đến năm 2045, “Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.
Để thực hiện mục tiêu này, Thành ủy ban hành Chương trình số 29-CTr/TU ngày 10-5-2019 triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW; Chương trình số 36-CTr/TU ngày 13-1-2020 triển khai thực hiện chuyên đề “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo - khoa học công nghệ (KH&CN) đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao”; UBND thành phố ban hành các kế hoạch thực hiện Chương trình số 29-CTr/TU; Chương trình số 36-CTr/TU..., đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện và nhấn mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 1760/QĐ-UBND ngày 21-5-2021 của UBND thành phố trên cơ sở tái cấu trúc Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ Đà Nẵng trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố. Trung tâm sẽ là đầu mối, là trái tim của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện chức năng tư vấn, hỗ trợ, kết nối mạng lưới khởi nghiệp, hợp tác với các địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo, tổ chức KH&CN, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để phát triển mô hình trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, khu dịch vụ tập trung khởi nghiệp sáng tạo, khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp… và tham gia vào mạng lưới kết nối khởi nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên, quốc gia và quốc tế.
Đến nay, trên địa bàn đã hình thành 1 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố; 2 trung tâm khởi nghiệp thuộc các trường đại học; 9 vườn ươm; 4 không gian sáng tạo; 9 không gian làm việc chung; 4 quỹ đầu tư khởi nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng cùng cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thông qua các chương trình hỗ trợ của thành phố và các chương trình ươm tạo, tăng tốc của các vườn ươm trên địa bàn, thành phố đã phát triển được 163 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, thành lập 61 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó đã có các doanh nghiệp phát triển mạnh, tăng trưởng nhanh, gọi được vốn hàng triệu USD.
Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 nêu rõ: “Xây dựng hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, bảo đảm vận hành thành công các trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế; phát triển trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Trong đó, Đà Nẵng là địa phương có tiềm năng to lớn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ sinh thái để phát triển và bắt đầu lan tỏa, giữ vai trò đầu mối trong phát triển khởi nghiệp sáng tạo của cả vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Để làm được điều đó, trước hết, các đơn vị cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; đề xuất áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng; xây dựng và triển khai đề án Thành phố Đổi mới sáng tạo, tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; khuyến khích, hỗ trợ thành lập các vườn ươm, không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố; tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, khu ươm tạo tại Khu Công nghệ cao, xây dựng và ban hành cơ chế vận hành Không gian đổi mới sáng tạo tại Khu Công viên phần mềm số 2...
Việc hình thành các không gian đổi mới sáng tạo sẽ là hạ tầng quan trọng tập trung cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đây là nơi triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo… góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, hiện đại và thông minh.
Mặt khác, tập trung phối hợp với Bộ KH&CN sớm triển khai thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo động lực cho việc phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Tăng cường và mở rộng hợp tác với các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các địa phương trong nước và quốc tế có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Phần Lan, Singapore,... Qua đó, trao đổi kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thu hút các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp và kết nối các đối tác liên quan lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến Đà Nẵng nhằm hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.
Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư và khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đây là những ưu thế cạnh tranh trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. KH&CN và đổi mới sáng tạo cũng là yếu tố rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ lượng sang chất, tạo ra các giải pháp, công nghệ và ý tưởng đổi mới sáng tạo, các sản phẩm và dịch vụ mới tăng cường sự cạnh tranh của chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
LÊ ĐỨC VIÊN