Thời sự và bàn luận

THỜI SỰ & BÀN LUẬN

Cơ hội lớn thu hút khách quốc tế

09:21, 19/03/2024 (GMT+7)

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hình ảnh và vị thế quốc gia. Sau thời gian ảnh hưởng bởi Covid-19, ngành du lịch đã tạo ra nội lực tăng trưởng và phục hồi. Lượng khách du lịch quốc tế và nội địa năm 2023 vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực điện tử... tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đạt nhiều giải thưởng du lịch thế giới, như: lần thứ 5 được bình chọn là Điểm đến hàng đầu châu Á, lần thứ 4 được bình chọn là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới.

Tạp chí du lịch Condé Nast Traveler mới đây đưa Việt Nam vào danh sách 21 điểm đến rẻ nhất dành cho du khách năm 2024. Tạp chí này cho biết: “Hiện tại, nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á có ưu đãi tuyệt vời cho du khách dùng đồng USD. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn nên đến Việt Nam - một phần vì tỷ giá hối đoái tăng đều đặn, nhưng phần lớn vì vẻ đẹp đáng kinh ngạc của đất nước”. Phần lớn du khách đến Việt Nam đều quan tâm đến văn hóa đa dạng, con người thân thiện và thiên nhiên phong phú, bên cạnh sự an toàn, giá cả phải chăng… Và hơn hết, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng lên, các điểm đến đủ hấp dẫn để khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 08/CT-TTg về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Chỉ thị yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi: về xuất cảnh, nhập cảnh có điều kiện đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng, có trình độ phát triển cao, chi tiêu du lịch lớn và thời gian lưu trú dài ngày vào các địa bàn du lịch trọng điểm của Việt Nam và những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi. Đặc biệt là mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương; thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (6 - 12 tháng) cho du khách từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao; thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12 - 36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông.

Điều này mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch trong việc thu hút khách quốc tế. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chiều 18-3 cho biết, hiện nay Việt Nam miễn thị thực đơn phương với 13 nước, là những địa bàn trọng điểm có đông khách du lịch đến Việt Nam. Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương, đồng thời đang đàm phán miễn thị thực song phương đối với nhiều nước về thị thực công vụ. Việc mở rộng danh sách miễn thị thực là cơ hội để Việt Nam giới thiệu nhiều hơn nữa về đất nước, con người, sự cởi mở, hiếu khách mà người dân dành cho du khách khi đến đây; giới thiệu các sản phẩm đặc trưng cho những dòng khách nhất định nếu miễn thị thực một cách linh hoạt.  

Trong chỉ thị nêu trên, Thủ tướng còn giao cho Bộ Công an xem xét thí điểm việc cấp thị thực cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Đây là giải pháp mang tính đột phá nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách đến Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (Face ID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport) để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho khách du lịch.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách, bằng với năm 2019. Về phía địa phương, Đà Nẵng phấn đấu đón 8,42 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ thị số 08/CT-TTg nêu rõ việc giao cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch; ngành du lịch tiếp tục tăng cường truyền thông, quảng bá về những chính sách mới, giúp doanh nghiệp du lịch tiếp cận các thị trường tốt hơn, bên cạnh đó các địa phương tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn để thu hút nhiều khách du lịch quốc tế hơn.

HOÀNG NHUNG

.