Những điều nghe thấy

Chuyện vỉa hè

08:23, 03/04/2014 (GMT+7)

Năm 1975, khi học khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội ở Thanh Xuân, Hà Nội, chiều chiều thỉnh thoảng tôi lại vào những làng quê ven đô thăm thú. Ấn tượng đầu tiên mà cho đến giờ tôi còn nhớ, đó là những con đường làng được lát gạch thẻ theo chiều thẳng đứng. Đường này nối vào đường kia bằng những hàng gạch thẻ, có chỗ ít người bước đã lên rêu xanh đen. Hỏi ra mới biết, thời các cụ ông, cụ bà trong làng trước đây, trước khi làm lễ cưới, các cặp đôi phải làm nghĩa vụ lát một đoạn gạch thẻ đường làng.

Chuyện cái đường làng ở vùng ngoại ô Hà Nội thời bao cấp là vậy. Bây giờ, thời sự hơn là chuyện cái vỉa hè trước cửa nhà ta. Đem chuyện đường làng Hà Nội ra so với chuyện thời sự vỉa hè hôm nay để thấy rằng, người dân quê Hà Nội ngày trước xem đường làng như đường của riêng mình là vì, chí ít họ cũng góp phần tạo dựng nên đường làng sạch, đẹp. Còn chuyện người dân đô thị hôm nay lấy vỉa hè làm phần diện tích riêng cho mình là vô lý, không chấp nhận được. Vỉa hè là phần diện tích công cộng, do Nhà nước quản lý, không thuộc quyền cá nhân nào cả.

Vậy mà, không ít người dân đô thị đã biến cái vỉa hè Nhà nước thành diện tích riêng của nhà mình; mạnh ai nấy làm, muốn sử dụng vào mục đích gì cũng được. Người dùng vỉa hè để xe đạp, xe máy và cả chiếc ô-tô bự chác nằm chành ành trước cửa nhà, che chắn cả lối đi lại của người đi bộ; người lại dùng vỉa hè để buôn bán cho tiện cửa tiện nhà, xem phần vỉa hè như diện tích nhà mình lấn ra vậy. Đã vậy, có người vừa dùng vỉa hè để buôn bán vừa dùng bảng hiệu chắn ngang trên vỉa hè như muốn bịt lối qua lại trước cửa nhà để nhà mình có “tính độc lập” hơn. Ở các khu dân cư mới, kể cả các khu vực trung tâm thành phố, người ta ít dùng vỉa hè để buôn bán, nhưng để tạo màu xanh cho khuôn viên nhà mình, nhiều gia đình dùng các chậu cây cảnh chắn ngang vỉa hè, không còn lối cho người đi bộ…

Cái chuyện vỉa hè còn nhiều điều để nói; chính quyền các cấp từ lâu đã quan tâm, có các chủ trương, biện pháp nhằm quản lý vỉa hè hợp lý, trật tự hơn. Thế nhưng, sau những lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè, một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn.

Nhớ lại, cách đây hơn 10 năm, thành phố chủ trương quyết tâm lập lại trật tự lòng đường, cho thành lập lực lượng Thanh niên xung kích để giữ gìn trật tự, trước hết nhắc nhở, sau đó mạnh tay xử phạt những ai cố tình lấn chiếm lòng đường như để xe máy, vật dụng ra lòng đường. Và rồi kết quả thật mỹ mãn, Đà Nẵng là thành phố duy nhất ở Việt Nam không có hiện tượng người dân để xe máy, vật dụng ra lấn chiếm lòng đường. Cho đến bây giờ quy định này vẫn còn tác dụng.

Ngẫm nghĩ, so sánh giữa chuyện lập lại trật tự lòng đường và trật tự vỉa hè, vì sao lại có chuyện cái này làm được, còn cái thì không? Có lẽ đó phải là một quyết tâm chính trị mới phải. Nếu trước đây thành phố cho thành lập lực lượng Thanh niên xung kích giữ trật tự lòng đường, thì nay việc lập lại trật tự vỉa hè giao về cho các quận, huyện thực hiện. Mỗi địa phương có một lực lượng như vậy chuyên kiểm tra, giữ gìn trật tự vỉa hè. Mặt khác, thành phố cũng nên có quy định cụ thể, hợp lý hơn phần diện tích vỉa hè vừa có lợi cho người dân có nhà mặt tiền vừa bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh, mỹ quan đô thị. Ví như ở thành phố Hồ Chí Minh quy định vỉa hè chia thành 2 phần: phần giáp lòng đường dùng để xe cộ, vật dụng; phần giáp nhà dân dùng cho người đi bộ.

Mong sao thành phố ta cũng có được những quy định hợp lý như vậy và phải quyết tâm hơn, tiến hành thường xuyên hơn để có được trật tự vỉa hè xứng tầm thành phố đáng sống mà mỗi người chúng ta đang xây dựng hôm nay.

THANH GIÁN

.