.

Hiệu quả từ lò đốt rác thải nguy hại

.
Lò đốt rác thải nguy hại ở bãi rác Khánh Sơn được xây dựng từ đầu năm 2009 với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ đồng, do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng quản lý, vận hành. Sau gần hai năm đi vào hoạt động, hiệu quả từ lò đốt đã thấy rõ.

Hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường

Mô tả ảnh.
Các loại rác đã được phân loại trước khi cho vào lò đốt.
Từ đầu năm 2009, rác thải y tế tại các bệnh viện và các chất thải công nghiệp nguy hại tại các công ty, nhà máy, các khu công nghiệp sau khi phân loại, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom và xử lý đốt tại bãi rác Khánh Sơn. Trung bình 1 ngày, công ty thu về khoảng chừng 1,2 tấn rác thải nguy hại trên địa bàn Đà Nẵng.
 
Rác thải nguy hại chủ yếu thu từ các bệnh viện: Quân y 17 - QK5,  Đa khoa Hoàn Mỹ, Da Liễu, 199 Bộ Công an, Điều dưỡng và phục hồi chức năng TP, Bệnh viện C Đà Nẵng và Trung tâm Y tế các quận; các công ty như Dệt may 29/3, Coca Cola Việt Nam, Dệt may Hòa Thọ, Sản xuất bao bì Thành Vinh, In SGK Hòa Phát, Dịch vụ dầu khí Đà Nẵng, Kinh doanh khí hóa lỏng miền Trung…
 
Tùy theo tính chất của từng loại chất thải nguy hại, công ty có biện pháp xử lý khác nhau theo đúng quy định của Nhà nước. Ví dụ các loại rác thải y tế như kim tiêm, bông gạc, bình thuốc, bao găng… sẽ được xử lý theo phương pháp đốt lò, chôn lấp hộc rác nguy hại; các loại rác thải công nghiệp như pin, vỏ bình ắc-quy, dầu, nhớt thải, bóng đèn huỳnh quang, các thiết bị điện tử hư hỏng cho ổn định, đóng rắn; thùng sơn, vỏ lon sơn, chất thải từ quá trình tạo bóc tách sơn, bao bì chứa các thành phần nguy hại, dầu động cơ hộp số và bôi trơn tổng hợp, bộ lọc dầu đã qua sử dụng thì cho đốt lò và ổn định đóng rắn. Lượng rác nguy hại được xử lý gần như triệt để. Rác sau khi được cho vào lò sơ cấp phun dầu đốt cháy, lò thứ cấp sẽ xử lý triệt để để khi khói ra môi trường không còn thành phần nguy hại.

Với nhiệt độ lò đốt 6500C (đối với lò sơ cấp) và 1.1000C (đối với lò thứ cấp), lò đốt rác thải nguy hại chạy với công suất 200 kg/giờ. Cách xử lý này tuy bảo đảm an toàn cho môi trường, song chi phí cho mỗi lần đốt cao (trung bình 1kg rác tiêu hao 0,5 lít dầu diesel), thời gian đốt chậm. Do quy mô nhỏ nên lượng rác thải đem vào lò tiêu hủy cũng hạn chế. Trung bình 1 tuần, công ty tổ chức thu gom rác y tế 3 lần, 1 lần thu khoảng 800 - 900kg. Thành phố đang đầu tư một lò đốt rác riêng dành cho rác công nghiệp sắp đưa vào hoạt động.

Khó khăn trong việc quản lý chủ nguồn chất thải nguy hại

Mặc dù đã có lò đốt rác thải, song việc quản lý lượng chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố còn là một vấn đề khó. Việc phân loại chất thải tại nguồn chưa được thực hiện nghiêm ngặt, trong khi đó một số doanh nghiệp lại muốn né tránh hợp đồng xử lý chất thải với công ty. Họ trộn lẫn các loại chất thải nguy hại và không nguy hại để giảm thiểu chi phí xử lý rác thải, làm cho một khối lượng lớn chất thải nguy hại vẫn được chôn lấp hoặc xử lý chung với chất thải đô thị, gây ô nhiễm môi trường và môi sinh nghiêm trọng.
 
Không những thế, một số người dân vẫn còn đổ chất thải bừa bãi xuống sông, hồ, đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường, làm lãng phí nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng, tái chế và gây tốn kém trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Đây là một khó khăn lớn, đòi hỏi thời gian tới Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị  phải thực hiện thu gom, xử lý chất thải nguy hại triệt để; tìm cách hỗ trợ, hướng dẫn cho các đơn vị, khách hàng liên quan lập thủ tục đăng ký chủ nguồn thải; có biện pháp để các bệnh viện, trung tâm y tế và các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác để xử lý, giảm thiểu mức độ nguy hại tới môi sinh và sức khỏe con người. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế giám sát nghiêm ngặt hơn đối với các cơ sở có chất thải nguy hại, thực hiện các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm.

Bài và ảnh: Đan Tâm
;
.
.
.
.
.