.

“Đất hoang” gây ô nhiễm

.

Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất được khai thác nhằm tạo vốn để phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng. Thêm vào đó, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố cũng tiến hành chỉnh trang đô thị, nên đất cấp cho dự án và bố trí tái định cư cho người dân là rất lớn. Tuy nhiên, một số dự án, các khu tái định cư triển khai chậm và đang trở thành những bãi “đất hoang” lâu năm gây ô nhiễm môi trường.

Mô tả ảnh.
Cỏ dại và xà bần tràn ngập một khu đất trống ở dọc đường Bạch Đằng nối dài.

Nỗi lo từ những bãi “đất hoang”

Hòa Cường Nam là một trong những phường của quận Hải Châu thực hiện chỉnh trang đô thị gần như hoàn toàn nên cũng không tránh khỏi những bãi “đất hoang” để trống kéo dài nhiều năm. Vì vậy, chính quyền phường đã gặp không ít khó khăn, trở ngại trong công tác quản lý đô thị, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chia sẻ với chúng tôi, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam cho biết, đất trống trên địa bàn phường hiện nay còn rất nhiều. Đặc biệt là các khu đất nằm dọc đường ven sông Cẩm Lệ, đất các dự án ở tổ 49, ngã tư đường Lê Thanh Nghị - Xô Viết Nghệ Tĩnh, đường Hồ Nguyên Trừng... Thậm chí, có những dự án kéo dài từ năm 2003 đến nay.

Đó là chưa kể các lô đất của các cá nhân mua để xây nhà ở nhưng để trống nhiều năm. Và những bãi đất trống này đang trở thành những bãi cỏ mọc um tùm, bãi đổ rác thải, xà bần... và là cơ hội tốt cho muỗi sinh sôi phát triển. Dẫn chứng là trong đợt dịch sốt xuất huyết vừa qua, Hòa Cường Nam là một trong ba phường có số người mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất ở quận Hải Châu. Mặc dầu chính quyền địa phương đã nhiều lần huy động lực lượng trên địa bàn ra quân dọn vệ sinh môi trường và ngăn chặn việc đổ xà bần trái phép... nhưng chưa thấm vào đâu.

Cũng là một trong những điểm nóng dịch sốt xuất huyết của thành phố, phường Thuận Phước cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm từ những bãi “đất hoang”. Bà Lê Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước trăn trở, trong khi vùng đất trống của dự án đường Bạch Đằng nối dài đang là nơi thuận tiện để cho người dân lén lút đổ trộm xà bần và rác thải, thì việc san lấp dự án Đầm Rong 2 cũng đang mở rộng thêm quỹ đất trống trên địa bàn phường trong thời gian tới. Mặc dầu một số dự án triển khai chậm nhưng các nhà đầu tư không làm rào chắn nên địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường.

Ông Hoàng Tất Thành, cán bộ phụ trách mảng địa chính-xây dựng-môi trường phường Hòa An (Cẩm Lệ) cũng cho biết, một số tuyến đường như: Yên Thế, Bắc Sơn thuộc khu dân cư Hòa Phát 2, Hòa Phát 3 mở rộng và khu dân cư Hòa Phát 4 vẫn còn nhiều đất trống để cỏ dại mọc um tùm kéo dài trong nhiều năm. Hằng năm, phường đều có những đợt ra quân lớn để dọn dẹp nhưng tình trạng ô nhiễm nơi đây vẫn diễn ra vì cỏ dại mọc quá nhanh.

Trăm dâu đổ đầu... Đội Quy tắc đô thị

Tại các phường hiện nay, Đội Quy tắc đô thị là lực lượng chính để phát hiện, xử lý và ngăn chặn những người đổ xà bần, rác thải... trái phép ở các bãi “đất hoang”. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng và công việc nhiều, các đội viên vẫn khó xử lý triệt để tình trạng này. Bà Lê Thúy Hằng cho biết, hiện nay Đội Quy tắc đô thị của phường chỉ có 4 người nên không đủ lực lượng để theo dõi hết tình trạng gây ô nhiễm môi trường nói trên. Trong khi đó, những người đổ xà bần, rác thải... thường đổ lén lút vào ban đêm. Hơn nữa, những khu vực đất trống thường không có người dân ở nên không có ai phát hiện kịp thời để thông báo lại cho chính quyền. Mỗi khi lực lượng dân phòng và Đội Quy tắc phối hợp ập tới bắt quả tang xe dừng đổ chất thải vào ban đêm thì chủ xe lấy lý do là đi vệ sinh. Còn khi phát hiện xe tải đổ xà bần, thì vừa đưa máy ảnh lên chụp, xe đã “cao chạy xa bay”, do đó không xác lập được hành vi của người vi phạm.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy cũng xác nhận, khối lượng công việc của Đội Quy tắc đô thị tương đối lớn như bảo vệ môi trường, chống lấn chiếm vỉa hè, xây nhà trái phép, dẹp chợ cóc, chợ tạm... Không chỉ làm việc vào ban ngày, các đội viên còn phải thức đêm để xử lý, dẹp, đẩy, đuổi những người buôn bán áo quần, giày dép... ở vỉa hè; mai phục vây bắt, xử lý người đổ trộm xà bần... Tuy nhiên, lương của họ cũng chỉ trên dưới 1,2 triệu đồng/tháng. Trong khi các phường ở quận Hải Châu có nguồn nhân lực riêng cho Đội Quy tắc đô thị và có xe hỗ trợ cho lực lượng này, thì các phường ở các quận khác, cán bộ phường thường kiêm nhiệm luôn công việc này nên rất vất vả và khó khăn trong công tác quản lý đô thị và bảo vệ môi trường.    

Giải pháp nào cho “đất hoang”?

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, trong 5 năm qua, trung tâm đã tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho khoảng 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập mới và khoảng 50 dự án điều chỉnh nội dung trong giấy chứng nhận đầu tư. Trong số đó cũng có không ít dự án chậm triển khai do gặp khó khăn về vốn. Để giải quyết dứt điểm tình trạng “đất hoang”, ông Lê Thanh Minh, đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố cho rằng, thành phố cần rà soát lại các dự án chậm triển khai để thu hồi đất trống. Bên cạnh việc đưa ra cơ chế xử phạt nghiêm minh, thành phố cũng cần cẩn trọng hơn khi cấp đất cho các dự án mới. Bà Lê Thúy Hằng cũng cho rằng, trong lúc chờ xử lý dự án chậm triển khai, trước mắt, thành phố nên thông báo cho các chủ dự án đầu tư phải rào chắn các khu đất thuộc dự án của mình. Điều này không chỉ làm đẹp mỹ quan thành phố mà còn ngăn ngừa tình trạng đổ xà bần và rác thải trái phép.

Ngoài những bãi đất trống của các dự án chậm triển khai, những lô đất của các cá nhân mua xây nhà ở nhưng để trống nhiều năm cũng đang gây khó khăn cho địa phương trong việc thu thuế nhà đất. Theo bà Phạm Thị Thanh Thủy, lý do là các chủ lô đất này thường không cư trú ở địa phương, thậm chí là ở tận Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... nên mỗi lần thu thuế nhà đất rất khó liên hệ. Vì vậy, thành phố cần có những giải pháp xử lý thích hợp để tránh tình trạng đất để trống lâu năm gây ô nhiễm môi trường ở trong khu dân cư và giúp chính quyền địa phương thuận lợi hơn trong việc thu thuế nhà đất.

Bài và ảnh: GIA HUY

;
.
.
.
.
.