.

Nhiều doanh nghiệp chưa đấu nối hệ thống xử lý nước thải

.
Bà Lê Thị Thanh Thanh, chuyên viên môi trường của Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng cho biết: Hiện KCN Liên Chiểu có hơn 20 DN được cấp phép đầu tư, trong đó có khoảng 15 DN đi vào hoạt động, một số DN chưa có hệ thống xử lý nước thải.
 
Mô tả ảnh.
Đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại của công trình Trạm xử lý nước thải KCN Liên Chiểu.
 
Một số DN có hệ thống xử lý nước thải nhưng không đưa hệ thống này vào vận hành, mà lén lút xả nước thải trực tiếp ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường cho các vùng lân cận. “Mặc dù là đơn vị chủ quản KCN Liên Chiểu, nhưng công ty lại không có chế tài kiểm tra và xử phạt các DN xả nước thải chưa qua xử lý ra bên ngoài. Và đây cũng là thực trạng chung trong công tác quản lý về môi trường ở các KCN hiện nay ở nước ta”, bà Thanh nhấn mạnh. Cũng theo bà Thanh, lúc KCN Liên Chiểu chưa có Trạm xử lý nước thải (TXLNT) thì nhiều DN hoạt động tại KCN này đều khẳng định: Nếu có TXLNT, các DN sẽ chấp hành nghiêm việc xử lý nước thải theo quy định, tuy nhiên hiện TXLNT thải sắp đưa vào vận hành, phía công ty đã đến vận động và đề nghị các DN thực hiện việc xử lý nước thải để bảo đảm môi trường, thế nhưng không ít DN nói rằng do hoạt động của DN ít nước thải nên không cần thiết phải đấu nối đến trạm xử lý, DN tự xử lý cũng được.

Trong khi đó, một số DN cho rằng, do TXLNT chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên thời điểm này, nếu DN đấu nối hệ thống xử lý nước thải đến trạm xử lý, trạm cũng chưa thể xử lý nước thải được. Khi nào trạm xử lý chính thức đưa vào vận hành, các DN sẽ tuân thủ thực việc xử lý nước thải theo quy định.

Trả lời câu hỏi khi nào TXLNT chính thức đi vào vận hành, đại diện Công ty CP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng cho biết: Sau khi tiếp nhận KCN Liên Chiểu, đơn vị đã tiến hành khảo sát địa điểm xây dựng Trạm xử lý nước thải mà đơn vị cũ (đơn vị quản lý KCN Liên Chiểu trước đây – PV) đã quy hoạch, công ty thấy khu vực này không hợp lý, nên đã khảo sát lại địa điểm xây dựng. Sau đó công ty đã chọn được khu vực xây dựng TXLNT tại đường số 3 của KCN Liên Chiểu, ký hợp đồng với Công ty TNHH Quốc Việt xây dựng. Dự án đã được khởi công vào tháng 6-2010 và dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12-2010. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, phía công ty đã gặp vướng mắc trong công tác giải tỏa, đền bù…
 
Bên cạnh đó, do thời điểm cuối năm 2010, trời mưa nhiều, khiến việc thi công gặp rất nhiều trở ngại. Cũng theo bà Thanh, đến thời điểm này, việc xây dựng TXLNT đã hoàn thành 90% khối lượng công trình và 10% khối lượng còn lại là các hạng mục như xây dựng nhà điều hành, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Dự kiến TXLNT sẽ chính thức đi vào vận hành trong tháng 5 năm nay. “Mặc dù TXLNT chưa đi vào vận hành, nhưng các DN có thể đấu nối hệ thống xử lý nước thải đến bể chứa nước của trạm nhằm tránh tình trạng xả nước thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài. Đến thời điểm này, đã có 2 đơn vị sản xuất giấy thực hiện nghiêm túc việc đấu nối hệ thống xử lý nước thải đến trạm, số DN còn lại chúng tôi sẽ tiếp tục vận động và đề nghị thực hiện sớm việc xử lý nước thải”, bà Thanh cho hay.

Với cách trả lời của không ít DN hoạt động trong KCN Liên Chiểu như trên thì không biết khi đưa vào vận hành TXLNT, liệu các DN có thực hiện việc đấu nối đến hệ thống xử lý nước thải hay không? Cũng xin nói thêm, tại KCN Hòa Khánh, để vận động các DN thực hiện việc xử lý nước thải, đơn vị quản lý TXLNT cũng phải mất khá nhiều thời gian và công sức nhưng hiện vẫn còn nhiều DN “né” việc đấu nối hệ thống xử lý nước thải đến trạm. Vì vậy, để tăng cường bảo vệ môi trường ở các KCN, các cấp có thẩm quyền cần phối hợp với đơn vị quản lý TXLNT tại các KCN để buộc DN phải thực hiện việc đấu nối hệ thống xử lý nước thải đến trạm xử lý. Nếu các KCN đã xây dựng xong TXLNT mà DN không thực hiện đấu nối xử lý nước thải đến trạm, các ngành chức năng của thành phố cần phải mạnh tay xử lý những DN cố tình “trốn” xử lý nước thải.

Bài và ảnh: Trọng Hùng
;
.
.
.
.
.