.

Xây thủy điện tràn lan ở miền Trung: Quá nhiều hệ lụy!

.
4-4-12 thuy dien mien Trung 3.jpg
Việc xây dựng tràn lan thủy điện ở miền Trung gây ra quá nhiều hệ lụy. Trong ảnh: Thủy điện Sông Tranh 2 đi vào hoạt động chưa lâu thì thân đập đã rò rỉ nước (Ảnh: T.Tuyền)

(ĐNĐT) - Việc xây dựng tràn lan các nhà máy thủy điện ở miền Trung đang tác động nghiêm trọng đến môi trường, đời sống người dân, chỉ mang lại lợi ích cục bộ cho nhà đầu tư.

Ngày 7-5, tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Phát triển thủy điện bền vững: Các bài học và khuyến nghị”.

Tác động tiêu cực đến xã hội, môi trường

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có 3 lưu vực sông lớn là các lưu vực sông Ba, sông Sêsan- Srêpôk và lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam). Đến nay, trên các hệ thống sông này xuất hiện dày đặc các nhà máy thủy điện dẫn đến sông ngòi bị khô kiệt, hàng chục ngàn ha rừng bị đốn trụi, nhiều loài thủy sinh quý bị tiệt chủng,…

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, đánh giá: Trong quá trình xây dựng và vận hành, các nhà máy thủy điện làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nếu không giải quyết thấu đáo dựa trên những cứ liệu khoa học sẽ gây hậu quả xấu cho môi trường sinh thái, sông ngòi, tiềm ẩn nguy cơ nghèo và tái nghèo tại các dự án thủy điện. Gần đây, sự cố thấm chảy nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) đã gây lo ngại về độ an toàn của công trình và tính mạng của người dân.

"Việc xây dựng các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam đem lại lợi ích cục bộ cho nhà đầu tư chứ chưa mang lại lợi ích gì cho người dân", ông Thanh nói.

Đồng tình với đánh giá trên, ông Đoàn Tranh (giảng viên Đại học Duy Tân Đà Nẵng), cho rằng các công trình thủy điện tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và môi trường. Theo ông Tranh, vì quá phụ thuộc vào thời tiết mà nhiều công trình thủy điện gây ngập lụt ở vùng hạ du vào mùa mưa, hạn hán và nhiễm mặn nghiêm trọng vào mùa hè.

"Cách đây 20 năm, sông Vĩnh Điện không bao giờ nhiễm mặn, nhưng hiện nay việc nhiễm mặn xảy ra thường xuyên về mùa khô. Hiện tần suất nhiễm mặn của sông Cầu Đỏ, Đà Nẵng ngày càng thường xuyên hơn làm ảnh hưởng đến nhà máy nước Cầu Đỏ trong việc cung ứng nước sạch cho thành phố Đà Nẵng”, ông Tranh đưa ra minh chứng.

8-12 Tai dinh cu 4.jpg
Không có đất sản xuất, người dân tái định cư thuộc dự án thủy điện Sông Tranh 2 phá rừng làm rẫy. Ảnh: T.Tuyền

Đề cập đến những tồn tại về xây dựng thủy điện ở miền Trung, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho rằng do điều kiện địa chất không tốt, không có vùng chứa nước lớn nên việc tích nước vào mùa lũ, điều tiết nước vào mùa khô không tốt. Ngoài ra, hiện Việt Nam chưa có quy định về quy chuẩn kỹ thuật công nghệ bê-tông đầm lăn trong xây dựng các công trình thủy điện trong khi trên thực tế có rất nhiều công trình được xây dựng theo công nghệ này, trong đó có Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2.

Chưa có cơ sở khẳng định đập Sông Tranh 2 an toàn

Mổ xẻ về sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2, TS Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM) khẳng định chưa có cơ sở để kết luận “đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn” như công bố của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thời gian qua.

Theo TS Phúc, tháng 3-2012, ông đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lập tức ra lệnh xả cạn nước ở đập thủy điện Sông Tranh 2 trong suốt thời gian tìm kiếm nguyên nhân và khắc phục sự cố nhằm đảm bảo an toàn cho hàng vạn người dân ở hạ lưu và kiến nghị này được Chính phủ chỉ đạo EVN thực hiện.

Tuy nhiên, nhà khoa học kiến nghị xả cạn, trong khi thủy điện này xả đến mực nước chết vì thủy điện Sông Tranh 2 không có cửa xả đáy. “Với cách xả này, lượng nước xả chừng 510 triệu m3, khoảng 70% dung tích hồ, lượng nước còn lại chừng 220 triệu m3, khoảng 30% dung tích hồ, nên nguy cơ đe dọa vỡ đập đã giảm đi nhiều, nhưng chưa thể gọi là an toàn”, TS Phúc phân tích.

Ông Phúc kiến nghị kiểm tra toàn diện và chính xác tình trạng thực của nền đập và thân đập Sông Tranh 2 hiện nay cũng như cần có đánh giá khách quan và chính xác khả năng khắc phục sự cố trên. Nhà khoa học này cũng ủng hộ dự kiến của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về việc đưa “câu chuyện Đập Sông Tranh 2” ra nghị trường Quốc hội trong thời gian tới.

Thanh Tuyền

;
.
.
.
.
.