.

Lo ngập úng mùa mưa

.

Trong những tháng trước mùa mưa, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng (TN&XLNT) phối hợp với các đơn vị liên quan đã triển khai nạo vét kênh mương, lắp đặt các hệ thống bơm tiêu nước để chống ngập úng. Song thực tế, qua đợt mưa trong các ngày 3 và 4-9 cho thấy, tình trạng ngập úng vẫn diễn ra trên diện rộng với nhiều điểm ngập.

Tình trạng ngập ở ngã tư Hàm Nghi - Nguyễn Văn Linh - Lê Đình Lý (ảnh trái) và đường Đỗ Quang từ nhiều năm nay vẫn chưa thể khắc phục.
Tình trạng ngập ở ngã tư Hàm Nghi - Nguyễn Văn Linh - Lê Đình Lý (ảnh trái) và đường Đỗ Quang từ nhiều năm nay vẫn chưa thể khắc phục.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 2 ngày 3 và 4-9, mưa lớn kéo dài trên địa bàn thành phố với mức đo được của Công ty TN&XLNT trên 100mm. Vì vậy, nhiều tuyến đường nội thành cũng như ven thành phố bị ngập nặng như Hàm Nghi, Đỗ Quang, Quang Trung, ngã ba Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Thánh Tôn, khu vực ngã ba Lý Tự Trọng - Hải Hồ, Hà Thị Thân (tổ 36, 37, 38, 39), Tô Hiến Thành, Trần Hưng Đạo…

Theo báo cáo của Công ty TN&XLNT ngày 4-9, riêng các quận nội thành như Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà có 14 điểm ngập úng nghiêm trọng, nơi ngập thấp nhất là đường Nguyễn Phan Vinh với chiều dài ngập khoảng 20m, sâu 15cm và rút sau 15 phút khi trời hết mưa; nơi ngập nặng nhất và rút nước lâu nhất là khu vực tổ 36, 37, 38, 39 phường An Hải Tây, trên đường Hà Thị Thân với chiều dài khoảng 200m, độ sâu từ 70-80cm, thời gian ngập kéo dài 1 giờ đồng hồ. Theo ông Mai Mã, Giám đốc Công ty TN&XLNT, nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng tại khu vực dân cư hai bên đường Hà Thị Thân là tuyến mương đất tạm do Công ty CP Cù Lao Chàm thi công (từ cửa xả cấu trúc chuyển dòng 8/6 đến sông Hàn) đã bị bồi lấp, làm mất khả năng thoát nước.

Đối với khu vực từ ngã ba Lý Tự Trọng - Hải Hồ đến đường Nguyễn Đôn Tiết vẫn bị ngập úng (mặc dù đã có trạm bơm chống ngập vừa thi công xong) do cao trình hiện trạng khu vực này thấp, khi mưa lớn cùng với mực nước sông Hàn dâng cao (>1,3m) nên hệ thống thoát nước mất tác dụng, khả năng thoát nước kém trong khi hệ thống trạm bơm trong đợt mưa vừa qua không vận hành (đang trong thời gian thử nghiệm). Đối với điểm ngập ở đường Đỗ Quang, cao trình mặt bằng đường và đáy cống thấp hơn so với đường Nguyễn Hoàng và Lê Đình Lý; đoạn cống Mê Linh tại khu vực nút giao thông với đường Nguyễn Hoàng bị thu hẹp mặt cắt, có cao trình đáy cống cao hơn đoạn cống thượng lưu nên hạn chế khả năng thoát nước…

Thống kê của Công ty TN&XLNT cho biết, số vị trí ngập úng năm 2012 tăng 50 điểm so với năm ngoái, từ 33 lên 83 điểm bị ngập. Điển hình như quận Sơn Trà, năm 2011 có 5 điểm, năm 2012 tăng lên 20 điểm (gấp 4 lần); Liên Chiểu có 20 điểm; Thanh Khê 14 điểm, Hải Châu 9 điểm, Ngũ Hành Sơn 8 điểm, Cẩm Lệ 7 điểm và huyện Hòa Vang 5 điểm. Mặc dù nỗ lực chống ngập úng của Công ty TN&XLNT cùng các đơn vị liên quan năm qua rất đáng ghi nhận, nhưng thực tế đến nay, trong lúc vẫn chưa thể khắc phục được các điểm ngập tồn tại lâu năm và các điểm ngập cũ trong năm 2011 thì xuất hiện thêm nhiều điểm mới trong năm nay. Đợt mưa vừa qua cho thấy, công tác chống ngập úng vẫn còn quá nhiều việc phải làm. Sở dĩ công tác này chưa hiệu quả vẫn do quá trình đầu tư xây dựng, khớp nối giữa hệ thống cống mới xây và cống cũ thiếu đồng bộ; sự chênh lệch cao trình giữa đường cũ và mới; quá trình nạo vét, mở rộng khẩu độ ở một số tuyến mương, cống thoát nước gặp nhiều khó khăn, khó thực thi do liên quan đến công trình khác, và... thiếu vốn.

Bài và ảnh: MINH SƠN

;
.
.
.
.
.