(ĐNĐT) - Do ảnh hưởng của bão số 8, hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang có mưa lớn và gió mạnh. Chính quyền và người dân thành phố đang chủ động phòng tránh bão, nhất là ở các vùng ven biển.
Trưa và chiều 18-9, gió bão dần mạnh lên ở Đà Nẵng khiến cây xanh một số nơi bật gốc. Người dân vùng ven biển, ven sông đang khẩn trương chằng chống nhà cửa, đưa tàu thuyền vào bờ neo đậu. Trong khi đó, các địa phương và các lực lượng quân đội, công an đang gấp rút triển khai phương án chống bão tùy theo tình hình thực tế.
Đến chiều 18-9, gần 600 tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tránh trú bão tại Âu thuyền Thọ Quang. Ngoài ra, các lực lượng chức năng đã hỗ trợ, giúp ngư dân các phường Mân Thái, Thọ Quang, Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) kéo gần 150 thuyền, thúng lên bờ.
Người dân phường Xuân Hà, quận Thanh Khê chèn mái nhà, chống gió bão |
Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây bão số 8, trong 2 ngày qua ở khu vực Trung Trung Bộ và các tỉnh bắc Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, một số nơi có mưa lớn hơn như: Thạch Hãn (Quảng Trị) 265mm; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 310mm; Lý Sơn (Quảng Ngãi) 343mm; EaHleo (Đắc Lắc) 459mm…Ở đảo Cồn Cỏ có gió mạnh 10m/s (cấp 5), giật 17m/s (cấp 7); đảo Lý Sơn gió giật 17m/s (cấp 7); đảo Phú Quý gió mạnh 13m/s (cấp 6), giật 19m/s (cấp 8)…..
Hồi 16 giờ ngày 18-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 160km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 19-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.
Trong khoảng 12 đến 24h tiếp theo áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 19-9 vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Ở Vịnh bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.
Theo Báo cáo của Văn phòng BCH PCLB&TKCN, BCH BĐPB các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, tính đến 6 giờ ngày 18-9, đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 42.463 tàu/170.871 lao động (LĐ) biết vị trí, hướng di chuyển của Bão số 8 để chủ động phòng tránh.
Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa: 19 tàu/237LĐ (Đà Nẵng: 9 tàu/ 114 LĐ; Quảng Nam: 5 tàu/67 LĐ, Quảng Ngãi: 5 tàu/27 LĐ, Khánh Hòa: 3 tàu/29 LĐ). Các tàu đã di chuyển trú tránh.
Chiều 18-9, đại diện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho biết tính đến thời điểm này, vẫn chưa có chuyến bay nào của hãng phải hoãn hoặc hủy chuyến do ảnh hưởng của cơn bão số 8. Hiện đơn vị này vẫn đang theo dõi sát mọi diễn biến của cơn bão số 8 để có sự chủ động và sẽ thông báo ngay cho hành khách nếu có sự thay đổi. Ngoài ra, theo đại diện của hãng hàng không Jetstar Pacific, các chuyến bay của hãng này vẫn diễn ra bình thường. Nếu buộc phải hủy chuyến, hãng cũng sẽ thông báo cho khách hàng một cách nhanh chóng và kịp thời nhất. |
Ngũ Hành Sơn lập phương án di dời dân
Để chủ động phòng, chống bão số 8, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN quận Ngũ Hành Sơn đã phân công và chỉ đạo UBND các phường, cơ quan quân sự, Công an quận bố trí lực lượng trực 24/24 giờ. Đồng thời yêu cầu các phường kiểm tra công tác rà soát hiện trạng nhà cửa, cơ quan, công trình xây dựng, hệ thống kênh mương, các điểm xung yếu; chú ý tập trung đến chằng chống nhà cửa, di dời dân, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, lực lượng cứu hộ, cứu nạn, theo phương châm 4 tại chỗ.
Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm túc công tác di dời dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, lũ khi có Công lệnh của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, phương án cụ thể như sau:
Đối với phường Hòa Quý: Tập trung di dời dân vùng xung yếu ở các khu vực gồm: Khuê Đông 1&2, Mân Quang 1&2, An Lưu, Thị An. Địa điểm di dời: Nhà trú ẩn đa năng Mân Quang và An Lưu, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường Tiểu học Tô Hiến Thành.
Riêng khu vực Đồng Nò khi có tình huống khẩn cấp đề nghị UBND phường Hòa Quý cử cán bộ trực tiếp chỉ đạo công tác di dời dân sang địa bàn phường Khuê Mỹ (di chuyển về nhà thi đấu đa năng của Trung tâm Văn hóa Thể thao quận).
Đối với phường Hòa Hải: Tập trung di dời nhân dân vùng xung yếu ở các khu vực gồm: Tân Trà, Đông Hải, Đông Trà, Sơn Thuỷ. Địa điểm di dời: Trường Trung học cơ sở Huỳnh Bá Chánh, Trung Tâm Y tế Ngũ Hành Sơn, Trường Tiểu học Lê Văn Hiến.
Đối với phường Khuê Mỹ: Tập trung di dời nhân dân vùng xung yếu ở các khu vực khu căn cứ lõm K20, tổ 18 (cũ) và khu vực Đồng Nò (phường Hòa Quý). Địa điểm di dời: nhà thi đấu đa năng của Trung tâm Văn hóa Thể thao quận, trụ sở UBND phường Khuê Mỹ, nhà thờ Tộc Đặng.
Đối với phường Mỹ An: Tập trung di dời nhân dân vùng xung yếu ở các khu vực gồm: Mỹ Đa Đông 2, 5; An Thượng 3, 4. Địa điểm di dời: Trường Trung học cơ sở Lê Lợi, Trường Tiểu học Lê Lai, Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Ngư dân Thanh Khê đưa ngư lưới cụ lên bờ |
Các ngành, địa phương khẩn trương chống bão
Ngày 18-9, trước những diễn biến mới của cơn bão số 8, Công ty Điện lực Đà Nẵng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra thực tế hiện trường lưới điện cũng như công tác chuẩn bị ứng phó với bão của 5 Điện lực, Đội QLVH 110kV, Xí nghiệp Điện - Cơ và Đội Thí nghiệm - đo lường. BCH PCLB Công ty yêu cầu các đơn vị tổ chức trực 24/24, nhất là các nhân viên trực điện thoại để kịp thời nắm bắt các thông tin, tập trung xử lý các tồn tại ngay sau khi có sự cố. Đồng thời, yêu cầu các bộ phận (các Điện lực trực thuộc, các phòng, ban…) liên lạc và nắm số điện thoại của các BCH PCLB địa phương (các quận, huyện, xã, phường) sẵn sàng phối hợp khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra chuẩn bị sẵn sàng vật tư thay thế, máy phát điện, thắp đèn chiếu sáng, lương thực, thuốc men... đảm bảo cấp điện nhanh nhất cho nhân dân khi có sự cố.
Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã họp Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và triển khai lực lượng chằng chống nhà cửa, khơi thông các cửa thu nước, các hệ thống xử lý nước thải. Trong đó, chú trọng các điểm ngập úng thường xuyên như đường Quang Trung; ngã ba đường Đỗ Quang - Nguyễn Hoàng; tổ 12, 13, 14 phường Thanh Khê Tây; tổ 36, 39 phường An Hải Tây; khu vực lân cận hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung, đường Trường Chinh, khu Trung tâm hành chính quận Ngũ Hành Sơn… Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão trực nắm thông tin, diễn biến cơn bão, có phương án khắc phục, nhất là đối với cây cối ngã đổ, nhà cửa tốc mái...
Tại quận Liên Chiểu, Chủ tịch UBND quận đã chủ trì buổi họp với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn quận để bàn công tác phòng, chống cơn bão số 8. Theo đó, chỉ đạo các phòng, ban chức năng thực hiện công tác tuyên truyền để người dân nắm diễn biến của bão, chằng chống nhà cửa, bảo đảm an toàn về người và tài sản; giao các Phó Chủ tịch trực tiếp kiểm tra tại các công trình đang thi công, tại các chợ, các trường học; phối hợp với các cơ quan trên địa bàn sẵn sàng ứng cứu khi cần về phương tiện, thuốc men, lương thực thực phẩm; Giao UBND các phường phát thanh cập nhật về đường đi của bão, rà soát phương án sơ tán dân, di dân tại chỗ.
Hiện tại, trên địa bàn quận Liên Chiểu có 19 điểm ngập úng, trong đó 10 điểm ngập nặng. Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 18-9 tại một số điểm ngập trọng điểm trên địa bàn quận, mức nước dâng cao từ 0,5 đến 1,0 m. Việc đi lại và sinh hoạt của người dân hết sức khó khăn.
Nguy cơ gây lũ
Theo nhận định, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên trong những ngày đến sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to, đợt mưa này có khả năng kéo dài từ 3-4 ngày, có khả năng gây lũ các sông trong khu vực.
Hiện mực nước tại các trạm trên triền sông Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi có biến động ở mức dưới BĐ1, các nơi khác có dao động. Dự báo, chiều và đêm nay (18-9), trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng ở mức BĐ1-BĐ2. Riêng các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi có khả năng trên mức BĐ2-BĐ3; các sông ở khu vực Nam Tây Nguyên ở mức BĐ1 và trên BĐ1.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum tiếp tục lên, đến chiều tối nay (ngày 18-9), mực nước trên các sông ở nam Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi có khả năng lên mức BĐ1-BĐ2, có nơi trên mức BĐ2; các sông ở Quảng Nam, Kon Tum dao động ở mức BĐ1-BĐ2, riêng trên sông Đăkbla tại Konplong lên xâp xỉ BĐ3.
Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi từ đêm nay (18-9) gió mạnh dần lên cấp 6, vùng gần tâm bão đi qua cấp 7, giật cấp 8. Cần đề phòng nước biển dâng từ 1,5 đến 2m. Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to; riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai có mưa to đến rất to.
Chiều 18-9, Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết để đối phó với bão số 8, ngay từ ngày 17-9, lãnh đạo Công an thành phố đã chỉ đạo Công an các quận, huyện và các phòng nghiệp vụ thuộc Công an thành phố triển khai các phương án phòng, chống bão lũ. Trước mắt, tổ chức lực lượng chằng chống trụ sở làm việc, đồng thời huy động lực lượng Công an phường, xã, lực lượng dân phòng, ban bảo vệ dân phố tiến hành chằng chống nhà cửa giúp dân. Lực lượng Cảnh sát giao thông sẵn sàng túc trực để điều hòa giao thông và giúp dân khi mưa lớn hoặc khi cây đổ ngã; lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp với Bộ đội Biên phòng tiến hành giúp ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn. Ngoài ra, các lực lượng Cảnh sát khác cũng đã sẵn sàng vào cuộc khi cần thiết. Ngoài Công an thành phố Đà Nẵng, Sở Cảnh sát PCCC thành phố cũng đã huy động lực lượng, phương tiện ô-tô, ca-nô để thường trực chống bão. Bộ Chỉ huy quân sự cũng đã chỉ đạo Ban Chỉ huy các quận, huyện và Trung đoàn Bộ binh 971, Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp vào cuộc giúp dân chằn chống nhà cửa và cứu hộ cứu nạn khi cần thiết. |
Nhóm PV