.

Sẵn sàng ứng phó bão số 8

.

Trưa 17-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp khẩn với Ban Chỉ  đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 8.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo ứng phó cơn bão số 8. Ảnh: VGP/Lê Tuấn
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo ứng phó cơn bão số 8. Ảnh: VGP/Lê Tuấn

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ cơn áp thấp ngày 13-9, bão số 8 đã hình thành ngay trên vùng Biển Đông từ hôm qua, 16-8, trên vùng biển Hoàng Sa.

Đến trưa nay, 17-9, cơn bão sát ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc, 112,3 độ Kinh Đông, cường độ khoảng cấp 9-10, có hướng di chuyển thẳng vào bờ biển Trung-Trung Bộ.

Dự báo, bão sẽ tiếp tục mạnh lên, dự kiến đổ bộ vào đêm 18, rạng sáng 19-9 trên các vùng Trung-Trung Bộ với cường độ từ cấp 8-9.

Cùng với đó, mưa đi theo dải nhiệt đới kéo dài nên sẽ có trước bão, tập trung vào sáng mai (18-9) và kéo dài 3-4 ngày (có thể đến 20-9) trên diện rộng, tập trung ở Bắc và Trung-Trung Bộ, có nơi sẽ đạt 400-500 mm. Kết hợp triều cường, nước dâng, mưa sẽ đe dọa gây ngập úng ở các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Công tác kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền cũng đã được triển khai và đến thời điểm này chỉ còn 11 tàu đang hoạt động ở  khu vực Hoàng Sa và đang được hướng dẫn di chuyển tới khu vực an toàn. 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương, lực lượng Biên phòng tiếp tục thông tin, kêu gọi và yêu cầu các phương tiện đang ảnh hưởng của vùng bão di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, được xác định từ Quảng Bình đến Phú Yên, tổ chức neo đậu, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi bão vào bờ, chằng chống nhà cửa, sơ tán khỏi lồng bè thủy sản, các vùng xung yếu, nguy cơ cao.

Nhấn mạnh vấn đề mưa kéo dài và diện rộng, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành chủ hồ thường xuyên kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều, nhất là việc vận hành xả nước theo quy định để đảm bảo an toàn công trình và tăng hiệu quả cắt lũ, chuẩn bị chống úng cho các vùng có khả năng bị ngập úng.

Riêng số lượng 53 hồ thủy lợi yếu, nguy cơ cao được yêu cầu chỉ rõ tên và có văn bản yêu cầu địa phương lưu ý đặc biệt, kiểm tra, trực thường xuyên để đảm bảo an toàn trong cơn bão.

Cũng trong chiều nay, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ: Triển khai ứng phó với khu vực ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên: Thông báo và hướng dẫn các phương tiện tầu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng trực tiếp của bão trong 24g tới là vùng biển từ Bắc vĩ tuyến 14o đến Nam vĩ tuyến 19o và phía Tây kinh tuyến 115o (vùng nguy hiểm sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến của bão). 

Tùy theo diễn biến của bão, các tỉnh chủ động xác định thời điểm cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt là các tầu, thuyền nhỏ hoạt động ven bờ; kiểm tra và sẵn sàng sơ tán dân đang sinh sống ở khu vực ven sông, ven biển, các bến cảng, các khu du lịch đến nơi an toàn; không để người ở lại trên tàu, thuyền trong khu neo đậu, lồng bè, chòi canh ven biển, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. 

Tổ chức chằng chống nhà cửa, công trình, chặt tỉa cành cây phòng gió bão gây thiệt hại; giữ gìn trật tự an ninh ở các khu vực dân phải đi sơ tán và nơi dân sơ tán đến. 

Đối với khu vực miền núi và các tỉnh Tây Nguyên, tổ chức điều hành đảm bảo an toàn giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người, phương tiện đi lại tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết; nghiêm cấm người vớt củi khi có lũ; Rà soát phương án, sẵn sang sơ tán dân ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, vùng sạt lở nguy hiểm để đảm bảo an toàn; Kiểm tra, rà soát phương án bảo đảm an toàn hồ đập, các công trình phòng chống lụt bão (đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, các công trình không đảm bảo an toàn và các công trình đang xảy ra sự cố, các công trình đang thi công).

Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn./.

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, tính đến 11 giờ ngày 17-9, Biên phòng các tỉnh đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 38.611 phương tiện, lồng bè/186.252 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa: 13 phương tiện/186 người đang di chuyển xuống Tây Nam; trong đó, Đà Nẵng 9 phương tiện/114 người ở khu vực Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa và Quảng Ngãi 4 phương tiện/72 người ở khu vực Quần đảo Hoàng Sa./.

VGP/Vietnam+

;
.
.
.
.
.