Với những sáng kiến như: trồng rau bằng phương pháp thủy canh, xây dựng kế hoạch ứng phó với thủy triều đỏ, làm phim, xây dựng kho tư liệu tuyên truyền về biến đổi khí hậu…, những vấn đề của biến đổi khí hậu ngày càng thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Chị Nguyễn Thị Út bên lứa cải ngọt được trồng bằng phương pháp thủy canh. |
Thành quả bước đầu
Từ đầu năm 2014, với sự hướng dẫn của nhóm bạn trẻ đến từ Chi đoàn Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, gia đình ông Trần Hữu Vinh (ở khu vực Bá Tùng, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) áp dụng biện pháp trồng rau thủy canh trên thùng xốp, các ly thủy tinh, cứ 4 ly (mỗi ly trồng 4-5 cây) cho khoảng 1,5kg cải ngọt. Qua hơn 20 ngày chăm bón, lứa rau cải sạch đầu tiên được gia đình ông thu hoạch dùng thử. Thấy ngon nên ông Vinh đem chia cho bà con lối xóm mỗi người một ít để dùng.
Đến nay, trên khoảng sân 75m2, vợ chồng ông Vinh triển khai 40 thùng xốp, mỗi thùng 6 ly. Từ thành quả của gia đình ông Vinh, bà con trong xóm đến tìm hiểu thường xuyên, có người mạnh dạn áp dụng thử. Riêng ông Vinh, từ mùa cải ngọt đầu tiên đến nay, gia đình ông tiếp tục gieo những vụ khác. “Tôi rất tâm đắc với cách trồng rau thủy canh này, vì nó không quá khó làm, dễ chăm sóc và hơn cả là mình có rau sạch hoàn toàn để dùng trong gia đình”, ông Vinh nói.
Là chủ nhiệm đề tài “Áp dụng phương pháp canh tác thủy canh trong sản xuất rau sạch”, chị Nguyễn Thị Út (Chi đoàn Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết, ý tưởng của dự án được bắt nguồn từ việc người dân đang lo lắng khi phải sử dụng thường xuyên các loại rau không bảo đảm an toàn. Qua nghiên cứu và học tập từ nhiều nơi, chị Út cùng các thành viên trong Chi đoàn Sở mạnh dạn triển khai dự án và vận động người dân thử nghiệm, đến nay đã cho những thành quả ban đầu. Qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn thành phố, nhiều hộ dân ở vùng đô thị đã áp dụng để tự tạo nguồn rau sạch sử dụng trong gia đình.
Ở một khía cạnh khác, phải mất 1,5 năm để nhóm thanh niên thuộc Chi đoàn Sở Ngoại vụ thành phố hoàn thành bộ phim phóng sự The Change nói về sự lựa chọn của hai người trẻ trước những hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra cho quê hương mình. Xuyên suốt bộ phim là những hình ảnh truyền tải đến người xem thông điệp: người trẻ hãy mạnh dạn đương đầu và chung tay giảm thiểu sự khắc nghiệt cũng như hậu quả mà biến đổi khí hậu đã và đang gây ra. Thay vì quay mặt làm ngơ, hãy hành động ngay từ bây giờ.
Thanh niên là cầu nối
Chia sẻ về dự án làm phim phóng sự The Change, hai cô gái Hương Tràm và Hạ Uyên bày tỏ: “Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hiện nay, kho tư liệu, tài liệu về biến đổi khí hậu của thành phố mình còn ít, khiến việc tuyên truyền của chúng ta khá bị động. Để làm bộ phim này, chúng tôi đã đến rất nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố để tìm những minh chứng sống động, tăng tính thuyết phục khi tuyên truyền cho người dân, nhất là giới trẻ”.
Anh Đoàn Xuân Hiếu, Phó Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, cho rằng không ai khác, thanh niên chính là cầu nối, là người tiên phong trong việc tuyên truyền, bảo vệ môi trường sống. Bởi lẽ, nếu không hành động ngay từ bây giờ, thanh niên sẽ là người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.
Năm 2012, Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp cùng Tổ chức Challenge to Change (CtC) tổ chức cuộc thi Sáng kiến thanh niên thích ứng với biến đổi khí hậu ở 3 tỉnh, thành phố gồm: Đà Nẵng, Cần Thơ và Quy Nhơn. Qua 2 năm triển khai, 12 sản phẩm xuất sắc nhất đã chứng minh tính khả thi khi được ứng dụng thực tiễn, trong đó Đà Nẵng có 5 sáng kiến. |
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA