.

Xây dựng khu công nghiệp carbon thấp: Hướng đi phù hợp

.

Sáng 4-3, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng và Quỹ Châu Á tổ chức Hội thảo “Xây dựng khung kế hoạch hành động khu công nghiệp (KCN) phát thải carbon thấp nghiên cứu thí điểm tại Đà Nẵng”.

Doanh nghiệp cần thay đổi công nghệ để giảm phát thải carbon.                   						            Ảnh: THANH TÌNH
Doanh nghiệp cần thay đổi công nghệ để giảm phát thải carbon. Ảnh: THANH TÌNH

Hiện Đà Nẵng có tổng cộng 6 KCN, chủ yếu trong 2 ngành chế biến thủy sản và may mặc. Tuy nhiên, về công nghệ, nhìn chung các DN chế biến thủy sản tại KCN dịch vụ thủy sản (DVTS) Đà Nẵng đều sử dụng công nghệ cũ, chỉ số tiêu hao năng lượng trung bình của các DN là 0,23TOE/ tấn sản phẩm, cao hơn mức trung bình của thế giới là 2,4 lần. Các máy móc thiết bị được sử dụng qua thời gian dài và không được thay mới. Tất cả các doanh nghiệp (DN) trong KCN phần lớn sản xuất 1 ca/ngày. Việc tổ chức thời gian làm việc như vậy sẽ giảm hiệu suất sử dụng trang thiết bị, kéo dài thời gian thu hồi vốn đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, trong thời gian ngoài ca làm việc, toàn bộ hệ thống kho lạnh vẫn hoạt động gây lãng phí và làm thất thoát năng lượng.

Th.S Nguyễn Trọng Nghĩa, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, cho biết theo khảo sát, kiểm kê khí nhà kính mới đây tại 16 DN trong KCN DVTS Đà Nẵng và Trạm xử lý nước thải tập trung, cho thấy lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng phát thải khí nhà kính cao nhất, trong đó, chủ yếu là điện và DO. Vì vậy, cần thiết phải cắt giảm sự phát thải khí nhà kính bằng cách tiết kiệm năng lượng, giảm định mức sử dụng năng lượng; đồng thời, thay thế sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh khối, cụ thể là thay thế sử dụng DO/ than đá bằng những dạng nhiên liệu như LPG…

Các doanh nghiệp muốn cắt giảm sự phát thải khí nhà kính cần tiết kiệm năng lượng.
Các doanh nghiệp muốn cắt giảm sự phát thải khí nhà kính cần tiết kiệm năng lượng.

T.S Dương Đình Giám, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp, đưa ra kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính cho KCN DVTS Đà Nẵng. Theo đó, đến hết năm 2014 sẽ xây dựng, vận hành ổn định hệ thống quản lý dữ liệu DN online; khai thác hiệu quả để quản lý năng lượng, nước thải, chất thải rắn và kiểm kê khí nhà kính. Hết năm 2017, cắt giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sử dụng nhiên liệu đốt so với mức năm 2013; cắt giảm 3-5% điện năng tiêu thụ so với mức năm 2013, tương đương giảm 3-5% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sử dụng điện. Đồng thời, toàn bộ DN sẽ xây dựng được hệ thống quản lý năng lượng và có cán bộ chuyên trách quản lý năng lượng.

Tuy nhiên, để thực hiện được kế hoạch hành động này, ông Giám cho biết, cần phải có những giải pháp và chính sách hỗ trợ; trong đó cần thành lập một ban tư vấn chính sách giảm phát thải khí nhà kính trực thuộc UBND thành phố và do lãnh đạo UBND thành phố đứng đầu. Ban này có nhiệm vụ tìm hiểu khó khăn của DN, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND thành phố những cơ chế tháo gỡ phù hợp. Đồng thời, khi thực hiện, ưu tiên vốn ngân sách, vốn ODA cho các hoạt động nghiên cứu mô hình thí điểm trước khi triển khai trên diện  rộng.

Ông Nguyễn Đình Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, cho rằng xây dựng KCN carbon thấp là hướng đi phù hợp với định hướng của Đà Nẵng. Tuy nhiên, cần thực hiện nhanh chóng các cơ sở dữ liệu DN online; chú trọng thúc đẩy kiểm toán năng lượng và cần có cơ chế hợp tác công-tư phù hợp bởi các KCN trên địa bàn không phải riêng Nhà nước quản lý. Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cũng yêu cầu Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp và nhà tài trợ phải đưa ra kế hoạch cụ thể hơn nữa để khi chương trình đi vào hoạt động, các bên liên quan phải thực hiện được ngay. Về chức năng nhiệm vụ, nên giao cho các sở, ngành đã có sẵn chức năng đó để thực hiện hiệu quả, nhanh chóng. Đồng thời, cần đưa ra kinh phí cụ thể cho từng hoạt động và có người điều phối chung để dễ dàng hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cơ bản thống nhất với Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp về mục tiêu và các kế hoạch hành động đưa ra. Phó Chủ tịch cũng cho biết, việc xây dựng và phát triển các KCN theo định hướng phát thải carbon thấp sẽ góp phần quan trọng trong việc giúp Đà Nẵng đạt được các mục tiêu đề ra trong Đề án “Thành phố môi trường”. Vì vậy, thành phố cũng sẽ luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án phát triển.

Dự án này do Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh tài trợ với tổng kinh phí gần 35.000 bảng Anh (tương đương 1,2 tỷ đồng) trong giai đoạn 2013-2014. Dự án thí điểm xây dựng kế hoạch hành động hỗ trợ các DN trong KCN DVTS Đà Nẵng phát triển theo định hướng giảm thải carbon. Dự án sau khi hoàn thành sẽ cung cấp công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cơ quản quản lý địa phương và DN trong việc quản lý phát thải khí nhà kính, nhằm bảo đảm các mục tiêu môi trường, kinh tế và xã hội. Kết quả của dự án có thể trở thành mô hình tiêu điểm và nhân rộng tại các KCN trên khắp cả nước.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.