(ĐNĐT) - Hội thảo khoa học lần thứ 44 với chủ đề “Các trường đại học kỹ thuật với sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng” do UBND thành phố phối hợp cùng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đăng cai tổ chức vào sáng ngày 26-4.
Quang cản cuộc hội thảo |
Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – PGS,TS Trần Quang Quý; Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ GD&ĐT) – PGS,TS Tạ Đức Thịnh cùng đại diện 22 trường đại học, học viện kỹ thuật trong cả nước.
Tại Hội thảo, đã có 46 tham luận xoay quanh 33 vấn đề cấp bách của Đà Nẵng hiện nay, như: môi trường, phòng chống thiên tai, hỏa hoạn, nông, lâm ngư nghiệp, năng lượng, thủy lợi, kiến trúc và xây dựng,…
Tham luận "An ninh tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng" của tác giả Quách Thị Xuân và Hoàng Thanh Hòa đến từ Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng cho rằng, phát triển nông nghiệp của Đà Nẵng đang bị hạn chế do thiếu nước.
Điều này xuất phát từ vấn đề Đà Nẵng nằm ở hạ lưu sông Vu Gia nên hầu hết các hoạt động sinh hoạt, kinh tế liên quan đến nguồn nước con sông này của thành phố đều chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động trên thượng nguồn thuộc tỉnh Quảng Nam.
Hiện nay, khoảng 20.000 ha đất sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu sông Vu Gia trông chờ vào nguồn nước của sông này; trong đó, có gần 4.000 ha của thành phố Đà Nẵng. Trong năm 2013, thành phố đã phải chi gần 3.000 tỷ đồng để chống hạn các vụ lúa Đông – Xuân và Hè – Thu.
Vấn đề xử lí nước thải, một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng thành phố môi trường cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại tham luận "Xử lí nước thải đô thị thành phố Đà Nẵng: Kết quả nghiên cứu áp dụng công nghệ xử lí chi phí thấp" của 5 tác tác giả đến từ các đơn vị Trung tâm nghiên cứu bảo vệ môi trường, Khoa Môi trường (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng), ĐH Đà Nẵng, ĐH Kitakyushu (Nhật Bản), Công ty Metawater Nhật Bản.
Các tác giả nêu ra thực trạng các nhà máy xử lí nước thải tại thành phố hiện nay đang sử dụng công nghệ hồ kỵ khí dạng đơn giản. Tuy nhiên, mùi và bọt tại các điểm tiếp nhận nước sau xử lí của hồ kỵ khí đã gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do quá trình sinh hóa kỵ khí không xử lí hoàn toàn được các chất hữu cơ và các chất hoạt động bề mặt, dẫn đến chất lượng nước sau xử lí nhiều thời điểm không đáp ứng được các qui định về xả thải.
Cùng bàn về vấn đề xử lí nước thải, tham luận "Xử lí nước ô nhiễm bằng công nghệ plasma lạnh" của TS. Trần Ngọc Đảm (ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, tình hình ô nhiễm môi trường nước ở Đà Nẵng đang ở mức báo động.
Các khu làng nghề chế biến lương thực thực phẩm, hải sản và các khu công nghiệp thiếu quy hoạch và xử lí nước thải, sử dụng hóa chất không hợp lí là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước, gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người.
“Nếu đưa hệ thống xử lí nước ô nhiễm bằng công nghệ plasma lạnh sẽ có những ưu điểm như hệ thống làm việc ở nhiệt độ thấp, tiết kiệm điện, thiết bị nhỏ gọn không sử dụng hóa chất, không gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, tự động hoàn toàn, chi phí vận hành thấp và đặc biệt là hiệu suất cao.
Đà Nẵng - thành phố động lực
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý, việc Đà Nẵng phối hợp với các trường ĐH kỹ thuật tổ chức hội thảo, cho thấy, thành phố thực sự sẵn sàng hợp tác với các nhà khoa học thuộc các trường ĐH và đặt niềm tin rất lớn vào các nhà khoa học.
“Đây là cơ hội để các trường thể hiện trách nhiệm, vị thế xã hội của mình thông qua chất lượng hoạt động khoa học được ứng dụng vào thực tiễn, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý nói.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Phùng Tấn Viết nhấn mạnh tính cần thiết của phát triển kinh tế, xã hội phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nhất là khi Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu trở thành “Thành phố môi trường” trong năm 2020.
Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết nêu quyết tâm của Đà Nẵng trong việc xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước và trở thành đô thị động lực phát triển của khu vực miền Trung – Tây Nguyên trên cơ sở phát triển 5 định hướng chính: doanh nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, đầu từ hạ tầng hiện đại và xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị.
“Với 46 tham luận xoay quanh 33 nhóm đề tài về sự phát triển bền vững của Đà Nẵng là những tài liệu quí, giá trị và có ý nghĩa rất to lớn đối với việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của Đà Nẵng hiện nay. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp thu có chọn lọc, phân kỳ và triển khai hiệu quả những vấn đề mà các tham luận đã đặt ra” – Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nói.
Bài, ảnh: Bình An