Nguy cơ thiếu nước đối với thành phố Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung đang trở nên hiện hữu với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Đó là nội dung được nêu ra tại Hội thảo chia sẻ và đối thoại lần 1 về kết quả đánh giá hiện trạng tài nguyên nước (TNN) mặt và thực trạng công tác quản lý TNN mặt thành phố Đà Nẵng do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng phối hợp với Viện chuyển đổi Môi trường và xã hội Hoa Kỳ (ISET) tổ chức ngày 21-5.
Thành phố Đà Nẵng đang bắt đầu bước vào mùa khô hạn. Hiện, trên các dòng sông thuộc hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đã cạn kiệt, nhiễm mặn gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất vùng hạ du. Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, tình trạng khô hạn của khu vực Trung Bộ, trong đó có Đà Nẵng sẽ diễn ra từ nay đến hết cuối tháng 8-2014.
Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng kiêm Phó Trưởng ban thường trực Ban quản lý dự án “Đánh giá toàn diện nhằm hướng đến khả năng chống chịu biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với nguồn TNN mặt thành phố Đà Nẵng” (gọi tắt là Dự án quản lý TNN), cho biết: “Trong 4 tháng đầu năm 2014, các tỉnh ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa phổ biến thiếu hụt từ 50% - 90% so với trung bình nhiều năm. Đồng thời, dòng chảy từ thượng nguồn các năm suy giảm, nhiễm mặn xâm nhập khá sâu vào vùng hạ lưu.
Đối với Đà Nẵng, không chỉ ngành nông nghiệp mà người dân thành phố cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng”. “Các kết quả nghiên cứu, tính toán cho thấy các lưu vực sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam có trữ lượng dòng chảy phân bố không đồng đều. Hơn nữa, một số nhà máy thủy điện đi vào hoạt động đã gây giảm dòng chảy mùa kiệt dẫn đến thiếu nước cho khu vực hạ lưu. Vì vậy, các sở, ban, ngành, địa phương cần tìm hướng đi nhằm tháo gỡ và giải quyết cho tình trạng trên”, TS. Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học-Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, cho biết thêm.
Trong nhiều năm qua, để khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô, ngành nông nghiệp thành phố Đà Nẵng xây dựng nhiều giải pháp chống hạn, nạo vét kênh mương, xây đập tạm ngăn mặn, tăng cường công suất máy bơm… Ngoài ra, thành phố cũng đã bỏ kinh phí để bơm nước từ trạm bơm An Trạch về Nhà máy Nước Cầu Đỏ, đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân Đà Nẵng. Tuy nhiên, nguy cơ thiếu nước đối với Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên nói chung là điều không thể tránh khỏi.
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Trước mắt, thành phố Đà Nẵng cần nhanh chóng có quy hoạch cụ thể cho nhà máy nước tại các sông trên địa bàn như sông Cu Đê và Túy Loan bởi nguồn nước tại các sông này đang sạch và ít bị ô nhiễm. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả các trạm bơm, thành phố cần có kế hoạch nạo vét các sông ngòi để tăng khả năng cấp nước. Đồng thời, nâng cấp các công trình đầu mối và kênh mương của các công trình thủy lợi trên sông để tăng khả năng trữ nước và hệ số sử dụng nước”.
Tại hội thảo, các chuyên gia về TNN cũng cho rằng, thành phố Đà Nẵng cần có các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của các công trình thủy điện gây nên. Đồng thời, Bộ TN&MT cũng cần thành lập Ban quản lý lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn để thực thi có hiệu quả Luật TNN; lên phương án bổ sung thêm các trạm khí tượng thủy văn trên các lưu vực sông; xây dựng ngân hàng cơ sở dữ liệu về TNN để việc tính toán, đánh giá TNN được chính xác và nâng cao hiệu quả việc quản lý khai thác TNN…
Thanh Tình