Năm 2013, mặc dù bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất nhưng trên địa bàn thành phố không có người chết trong thiên tai. Đây là thành công lớn thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và nhân dân thành phố đối với công tác phòng tránh, ứng phó thiên tai trong điều kiện thiên tai và biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.
Sức tàn phá của bão. Trong ảnh: Hậu quả của cơn bão số 11 năm 2013 gây ra. |
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Ban chỉ huy) cho biết, năm 2013, diễn biến khí hậu, thủy văn phức tạp, đã có đến 15 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông, trong đó cơn bão số 8 và đặc biệt là bão số 11 (Nari) ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại nặng nề cho thành phố Đà Nẵng. Thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính là 1.037,8 tỷ đồng. Siêu bão số 14 dù không đổ bộ trực tiếp vào thành phố nhưng mức độ tác động và ảnh hưởng rất lớn. Tuy bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất nhưng thành phố không có người chết trong thiên tai.
Có được kết quả như vậy, theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Trưởng Ban chỉ huy thành phố, là nhờ ngay từ đầu năm, UBND và Ban Chỉ huy thành phố đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và phương án sơ tán nhân dân vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của thiên tai như ven sông, biển, vùng trũng thấp, vùng bị sạt lở, vùng hạ du các hồ chứa; kiểm tra phương tiện ứng phó, công tác chuẩn bị, chủ động của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” để có kế hoạch chủ động, đối phó với thiên tai. Các ngành, địa phương cũng đã chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc men, y tế, nhiên liệu, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo sẵn sàng phục vụ công tác cứu trợ khi có thiên tai...
Điển hình như các cơn bão số 8 và 11 ảnh hưởng đến thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo Thành ủy, HĐND và UBND thành phố trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống lụt bão, sơ tán dân tại các địa phương, phân công lãnh đạo thành phố phụ trách trực tiếp các quận, huyện. Thành phố đã thành lập các đội cứu hộ - cứu nạn, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại 2 cấp thành phố và quận, huyện, có nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để tuyên truyền vận động, tham gia sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học…, tổ chức cứu hộ cứu nạn, khắc phục các công trình bị sập đổ, phục vụ việc tiếp tế lương thực, thực phẩm đến các vùng bị cô lập…
Bên cạnh đó, các đơn vị vũ trang của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 đóng trên địa bàn thành phố đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố và các lực lượng của các địa phương triển khai lực lượng, phương tiện để di dời, sơ tán nhân dân và ứng phó với thiên tai. Các cơ quan thông tấn báo chí địa phương cũng đã tăng cường thời lượng đưa tin, tuyên truyền về thông tin, diễn biến, cảnh báo mức độ nguy hiểm của bão để người dân chủ động ứng phó, tự giác chằng chống nhà cửa và chủ động sơ tán, di dời đến nơi an toàn
"Phải hạn chế thiệt hại ở tất cả các lĩnh vực do thiên tai gây ra; trong đó đặc biệt không để xảy ra chết người sau khi bão lũ đi qua. Công tác cứu hộ, cứu nạn phải đạt 100%" Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nhấn mạnh tại hội nghị triển khai công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2014. |
Đặc biệt, thành phố chủ động chỉ đạo các lực lượng vũ trang tiến hành sơ tán nhân dân tại những nơi không an toàn đến những nơi an toàn, với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. “Do sự chủ động, kịp thời, quyết liệt trong công tác phòng, chống bão, công tác sơ tán nhân dân của chính quyền và nhân dân thành phố nên trong năm 2013, mặc dù đã bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất nhưng trên địa bàn thành phố không có người chết trong thiên tai”, ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2014, có khoảng 9-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm, khoảng 4 - 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, cần đề phòng những cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và không theo quy luật khí hậu hoặc áp thấp nhiệt đới, bão ảnh hưởng dồn dập trong thời gian ngắn. Vì vậy, cần phải chủ động, xây dựng các phương án đối phó, nhằm giảm thiệt hại do bão gây ra, nhất là không để xảy ra chết người trong và sau bão, lũ.
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ