ĐNĐT - Sáng 8-6, cây đa Sơn Trà tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Q. Sơn Trà) chính thức được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Cây đa Sơn Trà - một trong những cây cổ thụ có tuổi thọ cao nhất Việt Nam. |
Dự Lễ Vinh danh cây đa Sơn Trà có: GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam - Hội Bảo vệ thiên thiên và môi trường Việt Nam; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí; Chủ tịch UBMTTQVN TP. Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cùng hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, đơn vị và địa phương liên quan.
Một trong những cây cổ thụ có tuổi thọ cao nhất Việt Nam
Cây đa Sơn Trà tên thường gọi là đa núi cao, thuộc họ dâu tằm. Cây đa tọa lạc tại Tiểu khu 63, trên tuyến đường du lịch Bãi Bắc - Ghềnh Đá - Mũi Nghê. Tính đến thời điểm hiện tại, cây đa có chiều cao 22m, chu vi thân chính và cụm thân phụ lên đến 85m.
“Do mở đường giao thông, phát quang diện rộng về phía ta-luy âm nên cành của cây cổ thụ này đang phát triển lệch tán và mọc nhiều chùm rễ chống rũ xuống mặt đường. Dù đã trường tồn gần 800 năm, chịu nhiều trận cuồng phong và những năm tháng chiến tranh ác liệt nhưng cây đa vẫn xanh tốt và góp phần đáng kể vào lá phổi xanh của thành phố Đà Nẵng. Hiện, cây đa Sơn Trà là một trong những cây cổ thụ có tuổi thọ cao nhất ở Việt Nam”, ông Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.
Cây đa Sơn Trà đang là nguồn sống của quần thể voọc chà vá chân nâu, một loài linh trưởng đặc hữu Đông Dương tại Sơn Trà, được phát hiện đầu tiên năm 1771.
GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam - Hội Bảo vệ thiên thiên và môi trường Việt Nam trao Bằng công nhận cây đa Sơn Trà là Cây di sản Việt Nam cho Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. |
Về giá trị sinh học, cây đa nằm trong quần thể đa cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tại Khu bảo tồn thiên nhiên trên bán đảo Sơn Trà. Ngoài những giá trị về tuổi thọ, hình dáng, cây đa Sơn Trà còn có giá trị về văn hóa, lịch sử.
Tọa lạc trên bán đảo Sơn Trà - nơi có vị trí chiến lược quân sự hết sức quan trọng - những năm đầu thế kỷ 19, các vị vua triều Nguyễn đã cho lập pháo đài phòng thủ, đài quan sát ở đây và trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bán đảo Sơn Trà trở thành căn cứ địa cách mạng của quân và dân Đà Nẵng.
Bảo vệ Cây di sản chính là bảo vệ sự sống con người
Tại buổi lễ vinh danh, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, nhấn mạnh: “Việc vinh danh cây đa Sơn Trà là Cây di sản Việt Nam ngày hôm nay không chỉ nhằm mục đích bảo tồn nguồn gen tiêu biểu của hệ sinh thái bán đảo mà hoạt động này còn thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng lịch sử, tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng”.
Lãnh đạo Hội Bảo vệ thiên thiên và môi trường Việt Nam cùng lãnh đạo thành phố Đà Nẵng mở bia đá vinh danh cây đa Sơn Trà là Cây di sản Việt Nam. |
Đây là một sự kiện quan trọng và thể hiện niềm tự hào chung của chính quyền và nhân dân thành phố. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng khẳng định: “Bảo vệ, giữ gìn Cây di sản cũng chính là bảo vệ sự sống cho chúng ta. Vậy nên, sau buổi lễ vinh danh, đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đề cao vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ Cây di sản. Đồng thời, các công ty lữ hành, du lịch cũng cần đưa cây đa Sơn Trà vào điểm tham quan trong tuyến tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để tiếp tục quảng bá về giá trị văn hóa, lịch sử và khoa học của cây đa đối với các địa phương trong nước và quốc tế”.
Trước đó, ngày 9-5-2014, đáp ứng những tiêu chí của Cây di sản, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã công nhận cây đa Sơn Trà là cây đầu tiên của TP. Đà Nẵng được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Ngày 18-3-2010, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã chính thức phát động sự kiện “Bảo tồn Cây di sản Việt Nam” với mục đích: lựa chọn và vinh danh những Cây di sản của đất nước, góp phần bảo tồn nguồn gen các cây tiêu biểu của Việt Nam; nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng; quảng bá rộng rãi sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam, đồng thời, tạo nguồn du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học. |
Bài và ảnh: Thanh Tình