Môi trường
Cống hở làm xấu bãi biển đẹp
Biển Mỹ Khê được biết đến là “1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh” và chính quyền thành phố luôn nỗ lực để duy trì và phát huy thương hiệu đó. Song, bên cạnh vẻ đẹp tự nhiên, những chiếc cống hở ven biển đã làm xấu đi hình ảnh bãi biển trong mắt người dân và du khách.
Công nhân Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng rải vôi làm sạch nước, giảm tảo tại các cửa xả ven biển. |
Những vết loang trên bờ biển đẹp
Tại cống hở trên đường Võ Nguyên Giáp (địa bàn phường Mân Thái, quận Sơn Trà), mùi hôi tuy không nặng, song, do ánh nắng mặt trời chiếu thẳng xuống mặt nước nên thấy rất rõ những mảng xanh, vàng của tảo. Theo cảm quan, có thể dòng nước này tồn tại ở đây đã lâu, thêm nữa là trời nắng nóng nên tảo có điều kiện phát triển mạnh.
Trên tuyến đường ven biển này, những cống khác cũng xảy ra tình trạng tương tự, những vết loang lổ của một vài dòng nước chảy ra biển còn đọng lại. Những người dân quanh khu vực này cho hay, khi trời chuyển mưa, nước ở các cống này hòa lẫn với nước mưa chảy ra biển.
Những lúc như vậy, nước đổ ra biển gây mùi hôi trên mặt nước biển; còn trên bờ, rác lưu cữu tại các miệng cống đổ ào ra, tràn khắp bờ. Các cống này lại nằm đối diện với hầu hết các nhà hàng nên du khách thường phàn nàn về mùi hôi từ các cống hở gây ra; nhiều du khách ngại tắm biển hay vui chơi gần các khu vực cống.
Ông Trần Đại Nghĩa, Phó Ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, cho biết: “Tình trạng cống hở có mùi hôi, phát sinh tảo và tạo thành từng dòng nước sẫm màu chảy ra biển có từ rất lâu, BQL cũng đã nhiều lần kiến nghị với thành phố xử lý tình trạng này nhưng đến nay vẫn vậy.
Mùa hè này, cứ mỗi ngày, bãi biển Đà Nẵng đón khoảng 40.000 khách du lịch và người dân đến tham quan, tắm biển, vì vậy, nếu các cống hở này được bít lại hoặc được xử lý sạch sẽ, người dân và du khách sẽ yên tâm hơn”.
Cần giải pháp lâu dài
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các bãi biển, đặc biệt là xử lý mùi hôi do nước thải cửa xả tại các bãi tắm, sở đã phối hợp với Công ty Thoát nước và xử lý nước thải khảo sát hiện trạng tại 45 cửa xả ven biển du lịch (trong đó có 16 cửa xả các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, Hoàng Sa và 29 cửa xả tuyến đường Nguyễn Tất Thành), xây dựng bản đồ vị trí và báo cáo đánh giá hiện trạng các cửa xả ven biển.
Trên cơ sở xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng phát sinh mùi hôi, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thực hiện phun chế phẩm khử mùi tại các cửa xả ven biển, giếng tách dòng và thường xuyên kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường tại các bãi biển.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết: “Hệ thống thu gom nước thải của thành phố là hệ thống cống chung cho nước mưa và nước thải. Do vậy, khi trời nắng, nước thải tại khu vực được thu gom và xử lý triệt để; tuy nhiên, khi trời mưa lớn, nước thải không được thu gom hết hòa lẫn với nước mưa chảy tràn ra biển tại các cửa xả này. Công ty đang tiến hành xử lý mùi hôi, vệ sinh cửa xả và san gạt cát tại khu vực các cửa xả, không cho nước chảy ra để hạn chế mùi hôi và những vệt đen trên bề mặt cát”.
Việc san gạt cát đã góp phần cải thiện cảnh quan tại khu vực cửa xả, song, chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi cứ đến mùa mưa hay các thời điểm thời tiết thay đổi, mưa giông…, nước mưa lại tạo thành từng dòng đen ngòm chảy thẳng xuống biển. Vì thế, công tác san gạt cát phải thực hiện thường xuyên. Vì vậy, thời gian tới, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tìm những giải pháp hiệu quả hơn khắc phục tình trạng này.
Trước mắt, nâng cấp các trạm bơm ven biển để giải quyết lượng nước thải chảy ra biển, lắp đặt các cửa lật tại các cửa xả ven biển chưa có cửa lật hoặc cửa không phù hợp để chống ô nhiễm mùi hôi và cát bồi lấp miệng cửa xả.
Về lâu dài, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống cống thu gom riêng biệt nước mưa và nước thải, ưu tiên cho tuyến ven biển du lịch theo “Chiến lược quản lý nước thải đến năm 2020”.
Bài và ảnh: Thanh Tình