.

Chủ động ứng phó với đợt mưa kéo dài

.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với đới gió Đông trên cao, từ ngày 11-10, tại các tỉnh thuộc khu vực miền Trung có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và giông. Riêng ở Đà Nẵng, hai ngày qua đã xảy ra mưa lớn, gây ngập tại một số khu vực nội thành và một số vùng nông thôn.

Nước ngập trên đường Nguyễn Văn Linh sau trận mưa kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ.
Nước ngập trên đường Nguyễn Văn Linh sau trận mưa kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ.

Nhiều tuyến đường nội thành bị ngập sâu

Từ đêm 11-10 đến ngày 12-10, thành phố Đà Nẵng có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Đặc biệt, từ rạng sáng 12-10, mưa nặng hạt hơn, khiến không ít tuyến đường bị ngập, có nơi ngập sâu. Từ 7 giờ đến 7 giờ 30 ngày 12-10, tại các tuyến đường lớn như Nguyễn Văn Linh, Ông Ích Khiêm, Lê Duẩn, Đống Đa, Hùng Vương, Hàm Nghi, Lê Đình Lý…, giao thông trở nên hỗn loạn do nước ngập, mưa lớn. Nhiều phụ huynh đưa con đi học hết sức vất vả.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an quận Thanh Khê phải trực tiếp làm “gác chắn” cảnh báo, đồng thời chủ động ứng phó khi người dân gặp sự cố tại một số vị trí trên các tuyến đường Hàm Nghi, Lê Đình Lý.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng cho biết, từ 4 giờ đến 7 giờ sáng ngày 12-10, lượng mưa lớn khiến đường Đỗ Quang ngập sâu 50cm, đường Nguyễn Văn Linh ngập 30cm; các đường Hoàng Hoa Thám, Ông Ích Khiêm, Đống Đa, Phan Châu Trinh, Hải Hồ… ngập 20cm; một số điểm khác từ 14-20cm. Một số khu dân cư thuộc địa bàn quận Liên Chiểu, một số tuyến đường tại Khu công nghiệp Hòa Khánh cũng bị ngập sâu, đặc biệt là đường số 4.

Trước tình hình mưa lớn, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng cử lực lượng tháo các cửa phao, khơi thông các điểm ngập cũng như các điểm chưa bị ngập để nước trên đường thoát xuống cống. Vì vậy, đến khoảng 9 giờ cùng ngày, nước đã rút ở các điểm ngập. Cũng trong ngày 12-10, công ty đã vận hành Trạm bơm Thuận Phước để giảm lượng nước trong bể cống, mở cửa thoát ở Trạm bơm đường Trương Chí Cương.

Có thể xuất hiện một đợt lũ

Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ cho biết, do ảnh hưởng lưỡi áp cao lạnh lục địa tăng cường kết hợp với hoạt động của rãnh áp thấp có trục đi qua khu vực Trung Trung bộ nên trong 2-3 ngày tới, tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và giông. Từ tối 11-10, mực nước trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi sẽ lên và có khả năng xuất hiện một đợt lũ…

Trước tình hình đó, ông Hoàng Thanh Hòa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố Đà Nẵng đã có công điện chỉ đạo các ban, ngành chủ động ứng phó với đợt mưa lũ kéo dài.

Theo đó, yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán, dự trữ lương thực, nước uống đề phòng lũ lớn; cảnh báo cho các hộ nuôi trồng thủy sản biết mưa lớn; thông báo tình hình mưa lũ để nhân dân chủ động ứng phó.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các sở, ban, ngành, các quận, huyện chỉ đạo các Ban quản lý, chủ đầu tư các công trình đang thi công triển khai phương án phòng chống mưa lũ cho các công trình; triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy cho các khu dân cư do công trình đang thi công dở dang.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng và các địa phương, đơn vị quản lý các hồ chứa nước thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn công trình.

Nhiều tàu cùng ngư dân bị nạn trên biển

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên vùng biển phía Bắc của Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa giông mạnh.

Ở vịnh Bắc Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Sóng biển cao 1,5 - 2,5 mét. Vùng biển phía Bắc của Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, sóng biển cao 2 - 3 mét, biển động. Ngày và đêm 12-10, ở các vùng biển trên vẫn còn xảy ra mưa giông mạnh. Thời tiết trên biển nguy hiểm như vậy đã khiến không ít phương tiện tàu thuyền bị nạn.

Điển hình, lúc 21 giờ 49 ngày 11-10, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Trung tâm II) nhận được thông tin từ ông Nguyễn Văn Đức  - thuyền trưởng kiêm chủ tàu QNg 94967TS báo trong lúc hành nghề tại vị trí có tọa độ 16010N - 108023E, do ảnh hưởng của mưa giông mạnh và sóng lớn trên biển nên tàu bị phá nước, nước tràn vào ngập buồng máy không khắc phục được, tàu sắp chìm.

Nhận thông tin, tàu SAR 412 tại Đà Nẵng được điều động khẩn trương đi cứu nạn. Đến 23 giờ 20 ngày 11-10, tàu SAR 412 cứu được hai thuyền viên đưa về cảng lúc 3 giờ ngày 12-10, riêng tàu QNg 94967TS bị chìm.

Trước đó, khoảng 14 giờ 30 ngày 11-10, Đài thông tin duyên hải nhận được thông tin và thông báo ngay tới các đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực và địa phương tăng cường quan sát, trợ giúp tàu cá ĐNa 90435 TS bị phá nước, hỏng máy thả trôi tại vị trí có tọa độ 160-150N 1080-330E...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.