Từ năm 2012, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động phong trào “Toàn dân thực hiện tang văn minh tiến bộ” góp phần nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân dân cả nước về việc thực hiện hỏa táng đối với những người đã chết.
Quan niệm về địa táng đối với người chết còn ăn sâu vào tiềm thức đối với đa số người dân Việt Nam từ bao đời nay, chứ không chỉ riêng người dân Đà Nẵng. Đây là yếu tố tâm lý rất nặng nề của số đông người dân, không thể thay đổi ngày một, ngày hai.
Nhiều người cho rằng, khi hỏa táng, thân xác sẽ không còn nguyên vẹn, vong linh không về được với con cháu. Theo Đại đức Thích Chúc Tín, Chánh Văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng: “Do sự thiếu kinh nghiệm về cái chết và sợ chết nên con người có tâm lý chấp thủ, tiếc nuối với xác thân sau khi chết và cố tâm duy trì, bảo dưỡng nó bằng cách xây lăng mộ lớn, thực hiện nghi lễ cầu kỳ và những phương thức an táng rườm rà, tốn kém…
Hỏa táng hay địa táng chỉ là quan niệm và thói quen của mỗi dân tộc, vùng, miền, chứ không ảnh hưởng tới sự linh thiêng của người chết… Thật ra, dù chôn hay thiêu thì thân xác của người chết không còn cảm giác nóng hay lạnh, vì hệ thần kinh ngừng hoạt động, thần thức đã ra khỏi thân xác, đã tái sanh cõi khác”.
Cũng theo Đại đức Thích Chúc Tín, hầu hết người dân có tâm lý lo lắng là sau khi hỏa thiêu, tro cốt của người chết đem đặt ở đâu, chôn xuống đất, đặt tại nhà, tại chùa hay nhà thờ để thờ cúng, hay đem rải tro cốt xuống sông, xuống biển.
Để trả lời câu hỏi này, từ năm 2015, Trung tâm An Phước Viên ở Hòa Sơn đã đưa vào sử dụng nhà lưu tro cốt với hơn 380 lô có mức giá lưu tro cốt vĩnh viễn là 8 triệu đồng/vị trí, rất thuận lợi cho việc thăm viếng người đã chết.
Một nguyên nhân căn bản nữa là tuy nhà hỏa táng tại An Phước Viên ra đời từ năm 2009 nhưng công tác quảng bá, giới thiệu phương pháp hỏa táng, kể cả tuyên truyền ý nghĩa của hỏa táng trong người dân Đà Nẵng chưa nhiều.
Các cơ quan chức năng liên quan cũng chưa quyết liệt vào cuộc và kiên trì tổ chức vận động nhân dân thực hiện. Trong đó, đáng lưu ý là sự gương mẫu của cán bộ lãnh đạo các cấp thực hiện phương pháp hỏa táng có tác dụng rất cao trong việc góp phần cổ vũ, động viên người dân tích cực tham gia phương pháp này.
Những năm qua, chỉ có một số ít trường hợp cán bộ hoặc chức sắc tôn giáo thực hiện hỏa táng như: Thượng tọa Thích Giác Viên, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Đà Nẵng viên tịch ngày 23-11-2012, 1 giáo sư của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và 1 giáo sư người Mỹ giảng dạy tại Trường Đại học Duy Tân.
Việc hỏa táng sẽ giảm được nhiều chi phí như: xây dựng mồ mả, đi lại thăm viếng, bảo quản mồ mả của người thân hằng năm. Đối với người chết, các loại vi khuẩn gây bệnh sẽ bị tiêu hủy sau khi hỏa táng, nên sẽ không còn mầm bệnh ngấm sâu vào lòng đất, lây lan ra môi trường hoặc phát sinh vào nguồn nước gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến những người đang sống.
Đại đức Thích Chúc Tín cho biết: “Theo một số chuyên gia, hỏa táng an toàn hơn chôn cất; hỏa táng là nghi lễ văn minh, được tôn trọng và trung tính, không ảnh hưởng tốt và cũng chẳng ảnh hưởng xấu tới con cháu. Cách tiếp cận này giúp mang lại sự bình an trong tâm trí khi lo việc hậu sự cho người thân”.
Về lâu dài, quỹ đất tại Đà Nẵng phục vụ địa táng ngày càng khan hiếm. Ngoài các nghĩa trang Hòa Khương, Hòa Sơn, Hòa Ninh…, quỹ đất dành cho địa táng đang bị thu hẹp dần. Tuy thành phố đang quy hoạch một nghĩa trang mới tại Hòa Phú - Hòa Nhơn nhưng chủ yếu cho việc di dời mộ, an táng những người qua đời, phục vụ chủ trương di dời, giải tỏa của thành phố.
Đà Nẵng hiện có các chính sách nhằm hỗ trợ và khuyến khích việc hỏa táng như: miễn giảm không thời hạn phí hỏa táng cho người có công với cách mạng, đối tượng thuộc hộ nghèo; miễn 100% phí hỏa táng đối với các mộ trong dự án phải di dời, giải tỏa; miễn 100% chi phí hỏa táng đến năm 2017 đối với công dân có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng, v.v…
Để góp phần thực hiện phương pháp hỏa táng ngày càng hiệu quả hơn, sớm thay đổi nhận thức từ tập quán địa táng sang hỏa táng đối với người chết, đồng thời để thiết thực góp phần xây dựng thành phố môi trường đến năm 2020, lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng, các ngành, các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân và có nhiều giải pháp khả thi hơn, chẳng hạn như gia hạn việc miễn 100% chi phí hỏa táng đến năm 2020, tuyên truyền sâu rộng đến tổ dân phố, khu dân cư… để mọi người dân hiểu và tích cực hưởng ứng phương pháp hỏa táng nhằm xây dựng nếp sống văn minh, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm quỹ đất dành cho phát triển sản xuất và phục vụ an sinh xã hội, tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân thực hiện tang văn minh tiến bộ” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2016”.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng Trung tâm hỏa táng An Phước Viên tại nghĩa trang Hòa Sơn, thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) và Trung tâm hỏa táng này chính thức hoạt động từ cuối năm 2009. Song, số ca hỏa táng tại Đà Nẵng rất thấp: năm 2010 có 41 ca, năm 2011 có 56 ca, năm 2012 có 70 ca, năm 2013 có 116 ca, năm 2014 tăng lên 125 ca, tính đến tháng 9-2015 có 121 ca (thống kê của Sở LĐ-TB&XH). |
THANH TÙNG