Môi trường
Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
ĐNO - Ngày 23-11, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị về công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Tham dự hội nghị có hơn 100 cán bộ, công chức, chuyên viên làm công tác chuyên môn về tài nguyên và môi trường của các sở, ban, phòng, ngành, tổ chức, hội, đoàn thể, địa phương trên địa bàn thành phố.
Quang cảnh hội nghị về công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Ảnh: H.H |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường Cao Minh Tuấn thông tin, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 với nhiều nội dung mới, mang tính đột phá, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác nhau.
Công tác tuyên tuyền, phổ biến để đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cùng các văn bản hướng dẫn, thi hành luật là rất quan trọng và đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh thực hiện.
Thời gian qua, công tác truyền thông chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường đạt được các kết quả khích lệ và có sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cùng các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là sự hưởng ứng của cộng đồng và đông đảo người dân.
Hiện nay, nhu cầu tiếp nhận, khai thác thông tin tài nguyên và môi trường của cộng đồng ngày càng lớn; công tác truyền thông trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đến người dân đang cấp thiết, đòi hỏi cần có sự thống nhất và nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp tổ chức thực hiện trong lĩnh vực đến các cấp cơ sở.
Việc đẩy mạnh công tác phổ biến chính sách, pháp luật về môi trường còn giúp nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho các cán bộ chuyên môn ngành tài nguyên và môi trường; mở rộng mạng lưới truyền thông tài nguyên và môi trường để các cá nhân tham gia công tác tuyên truyền có sự hiểu biết sâu rộng...
Qua đó, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công tại đơn vị, địa phương... và tiếp tục đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đi vào cuộc sống.
Cán bộ, công chức, chuyên viên phụ trách công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố tham dự hội nghị. Ảnh: H.H |
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã được truyền thông rộng rãi trên địa bàn thành phố thông qua việc tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động tại các cấp, ngành, hội, đoàn thể, địa phương và qua các kênh thông tin trên báo, đài.
Theo đó, đã có hơn 500 tin, bài, phóng sự tuyên truyền; 333 ngày hội, buổi tập huấn được tổ chức với hơn 31.780 lượt người tham gia; hơn 15.500 bản ấn phẩm tuyên truyền...
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương đã sử dụng, khai thác các phương thức truyền thông, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ kết hợp các kênh thông tin, hình thức trực tuyến, mạng xã hội để tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020...
Từ đó bước đầu thực thi luật hiệu quả, đi vào cuộc sống, đặc biệt là nhiều người dân tích cực tham gia phong trào “Ngày Chủ nhật xanh, sạch, đẹp”; trồng và chăm sóc cây xanh; kiểm tra và khắc phục khí thải xe máy để bảo đảm sử dụng xe máy đạt chuẩn về nồng độ khí thải; làm sạch bãi biển; phân loại rác tại nguồn; chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần...
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan của bộ tiếp tục chủ trì, tổ chức các hội nghị tập huấn, trao đổi chuyên sâu theo các chuyên đề, đặc biệt trong các lĩnh vực mới về cấp phép môi trường, các quy định kỹ thuật trong xây dựng các kế hoạch quản lý môi trường (quản lý chất thải rắn, phân loại rác tại nguồn, quản lý di sản thiên nhiên, quan trắc chỉ tiêu về đa dạng sinh học, quản lý đất ngập nước…).
Cùng với đó, sớm tổ chức hướng dẫn, chuyển giao hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường ở cấp bộ, kết nối, chia sẻ với các địa phương; tăng cường các hoạt động đào tạo chuyên môn dành cho cán bộ quản lý môi trường; chú trọng chuyển giao để khai thác, sử dụng các công cụ mô hình, phân tích, dự báo các kịch bản tác động môi trường từng ngành, lĩnh vực, khu vực để lồng ghép vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích, đáp ứng quy định về phân loại rác tại nguồn,…
Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan của bộ cần tổ chức các hội nghị chuyên đề để rà soát, nghiên cứu, cải thiện trình tự, thủ tục đầu tư đối với các dự án về môi trường, nhất là loại hình dự án xử lý rác.
Các cơ quan sớm ban hành chính sách xã hội hóa (khuyến khích các thành phần kinh tế, cá nhân) đầu tư về bảo vệ môi trường, nhất là trong hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải; rà soát, đánh giá vai trò, bổ sung hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hoàn thiện các văn bản pháp lý để quỹ hoạt động ổn định, có hiệu quả...
HOÀNG HIỆP