.
CÔNG TÁC BỐ TRÍ ĐẤT TÁI ĐỊNH CƯ Ở HÒA VANG

Những vướng mắc cần tháo gỡ (bài 2)

.

Bài 2: Kiến nghị từ cơ sở

Bài 1: Những khó khăn từ thực tế

Cũng như nhiều địa phương khác, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa trên địa bàn huyện Hòa Vang vẫn còn những vướng mắc từ thực tế.

Trước nhất là vướng mắc về mặt cơ chế. Các Ban Quản lý dự án (BQLDA), các Ban đền bù giải tỏa (BĐBGT) đều trực thuộc thành phố, do thành phố tuyển, thành phố trả lương… Dự án nằm trên địa bàn quận, huyện nào thì do Chủ tịch UBND quận, huyện ấy làm Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng (HĐGPMB). Gọi là Chủ tịch nhưng không có “lính”, không có “quân”. Chủ tịch HĐGPMB chịu trách nhiệm về mặt xét tính pháp lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, thực hiện cưỡng chế là chính, chứ rất ít “quyền”, nhiều lúc cần 1 triệu đồng chi phí nhưng cũng phải xin ý kiến cấp trên.

Công tác bố trí tái định cư cũng vậy, UBND quận, huyện vẫn “đứng” ngoài cuộc nên không biết dự án này còn bao nhiêu hộ chưa kiểm định đền bù, dự án kia còn bao nhiêu hộ chưa được bố trí đất tái định cư. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, cần phải họp, phải hội ý để bàn bạc. Thế nhưng mỗi lần triệu tập họp rất khó có mặt đông đủ các trưởng ban, có lúc cử cấp phó đi họp thay nên công tác chỉ đạo rất khó thực hiện đồng bộ.

Nhiều vấn đề vướng mắc, Chủ tịch HĐGPMB phản ánh những khó khăn thực tế đề nghị lên thành phố có ý kiến kịp thời chỉ đạo, thế nhưng các BQLDA, BĐBGT “quên” phản ánh, hoặc phản ánh không kịp thời, dẫn đến sự chỉ đạo không sâu sát, trễ nải... Hơn nữa, các BQLDA do “ôm” nhiều dự án nên phải chạy “xô”, dẫn đến tiến độ thực hiện rất chậm. Nhiều hộ dân chạy lên, chạy xuống hàng chục lần để gặp ông trưởng ban phản ánh nguyện vọng nhưng khó mà gặp được…

Tại nhiều cuộc họp chỉ đạo về công tác giải phóng mặt bằng và bố trí đất tái định cư, chúng tôi thấy số liệu của các BQLDA, BĐBGT và các địa phương không khớp nhau, dẫn đến khó khăn trong công tác chỉ đạo, còn đổ lỗi cho nhau, chưa quy trách nhiệm cụ thể từng đơn vị, cá nhân… Tóm lại, tiến độ thực hiện ở một vài dự án chậm phải chăng có một phần là do cơ chế... Từ những vướng mắc nêu trên, nên chăng mạnh dạn giao cho các quận, huyện thực hiện một số dự án nhỏ. Nhiều địa phương cho biết, họ có đủ khả năng và lực lượng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, nếu thành phố phân cấp cho họ một vài dự án thì chắc chắn họ sẽ thực hiện tốt…

Những hộ dân ở Hòa Liên có đất lúa bị thu hồi đề nghị hỗ trợ thêm về trượt giá.

Về Dự án sân golf Hòa Ninh và Cáp treo-Quần thể khu du lịch sinh thái Bà Nà-Suối Mơ, Thủy điện Sông Nam-Sông Bắc, nhiều hộ dân có đất rừng đề nghị nên hỗ trợ đất rừng khi bị thu hồi đối với những hộ có đất thực sự để họ đỡ thiệt thòi; riêng các hộ mua bán, chuyển nhượng trao tay bất hợp pháp thì không hỗ trợ…

Thực tế cho thấy, nhiều dự án ở huyện Hòa Vang, công tác bố trí tái định cư có sau công tác giải phóng mặt bằng hoặc không có như Dự án Quốc lộ 14B, Dự án đường tránh Nam Hải Vân-Túy Loan, Dự án Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng; cụm công nghiệp Thanh Vinh… Tiếp xúc với nhân dân thôn Trung Sơn, Vân Dương 1, xã Hòa Liên (thuộc Dự án Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng giai đoạn 1), nhiều người dân cho rằng việc áp giá đền bù theo Quyết định 107, 108 của UBND thành phố là thấp so với giá thị trường trượt giá hiện nay, đề nghị thành phố sớm điều chỉnh cho hợp lý. Việc áp giá ĐBGT và giá bố trí đất tái định cư, đề nghị BQLDA công khai cho dân biết. Về tiền đền bù giải tỏa, Ban ĐBGT nên chi trả ngay tại địa phương…

Về dự án này, ông Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên đề nghị thêm: “Chúng tôi rất cần chủ đầu tư tham gia họp cùng với địa phương để giải quyết những tồn tại, vướng mắc của nhân dân Vân Dương 1 về đất tái định cư. Việc bố trí đất tái định cư cho dân ở đâu, giá cả đền bù, giá đất tái định cư như thế nào cũng phải cho dân biết. Cần thành lập các tổ kiểm tra, bổ sung lại việc kiểm định còn thiếu sót của dân về mặt kiến trúc, đất, cây cối, hoa màu theo đề nghị của các hộ”… Nhiều hộ dân ở vệt kẹp Quốc lộ 1A đề nghị có giải tỏa hay không giải tỏa cũng phải công bố cho dân biết, nhiều khi muốn sửa chữa, xây dựng nhà, chuyển mục đích sử dụng cũng không được…

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ thực tế, ông Huỳnh Minh Nhơn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang kiến nghị: “Để giảm tình trạng khiếu nại, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các BĐBGT, các chủ đầu tư phối hợp với HĐGPMB của huyện và các xã có dự án kịp thời giải quyết dứt điểm các mắc mứu, không để kéo dài. Cần triển khai nhanh các khu tái định cư để bố trí cho dân, vì hiện nay trên địa bàn còn thiếu rất nhiều quỹ đất, các khu dân cư chưa triển khai hoặc triển khai chậm. Đây chính là những nguyên nhân dẫn đến việc khiếu nại, kiến nghị và không chấp hành việc bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện các dự án”.

Về công tác nhân sự, UBND huyện Hòa Vang kiến nghị, hiện nay huyện đang triển khai các dự án lớn của thành phố, trong khi đó, tình trạng khiếu kiện về giá đền bù, bố trí tái định cư ngày càng tăng, đòi hỏi cán bộ chuyên môn theo dõi, phản ánh kịp thời cho Chủ tịch HĐGPMB giải quyết, thế nhưng lại thiếu biên chế nên đề nghị thành phố bổ sung thêm biên chế để theo dõi công tác giải tỏa đền bù.

Bài và ảnh: LÊ VĂN HOA

;
.
.
.
.
.