Kinh tế
Đà Nẵng - Trung tâm tài chính của miền Trung - Tây Nguyên?
Chưa bao giờ thị trường tài chính miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng, lại sôi động đến thế, chỉ trong vòng hơn hai năm từ 2005 – 2008, riêng tại thành phố Đà Nẵng đã có trên 30 ngân hàng đến mở chi nhánh, phòng giao dịch.
Ngân hàng An Bình là một trong những ngân hàng cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ. |
Bên cạnh đó, hàng chục đại lý nhận lệnh chứng khoán, công ty cho thuê tài chính, công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng liên tiếp ra đời. Hiện tượng trên đã khiến cho thị trường tài chính Đà Nẵng vốn đã sôi động lại càng thêm “nóng” hơn. Giới đầu tư tài chính cùng có chung nhận định miền Trung, nhất là Đà Nẵng, trong thời gian đến sẽ là mảnh đất trù phú để phát triển dịch vụ ngân hàng.
Tuy nhiên, cũng chính vì sự phát triển quá nhanh đó mà không ít người đặt ra câu hỏi, liệu chất lượng có đi theo kịp số lượng hay không? Và làm thế nào để Đà Nẵng trở thành trung tâm thị trường tài chính khu vực, phát triển ngang tầm với hai đầu đất nước?
Một điểm dễ thấy nhất hiện nay ở Đà Nẵng là đi đâu cũng thấy trụ sở, phòng giao dịch của các ngân hàng; các trục đường chính, các khu đất “vàng” đều được các ngân hàng ngắm đến như là một địa điểm kinh doanh lý tưởng. Riêng các con đường Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh đã có đến trên dưới 20 ngân hàng đặt chi nhánh, đó là chưa kể hàng chục phòng giao dịch đã đi vào hoạt động. Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay Đà Nẵng có trên 45 chi nhánh ngân hàng với khoảng 130 phòng giao dịch - một con số khá ấn tượng so với thành phố có hơn 800 nghìn dân.
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết: Hầu như các ngân hàng có trụ sở ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến đã mở chi nhánh ở Đà Nẵng, trong đó có đến 2 ngân hàng liên doanh đang hoạt động. Sự phát triển nhanh chóng của Đà Nẵng nói riêng, khu vực miền Trung nói chung đã thu hút được sự quan tâm của hệ thống ngân hàng. Song hành cùng ngân hàng là các công ty tài chính, đại lý nhận lệnh chứng khoán, công ty chứng khoán... cũng vào cuộc.
Tuy nhiên, điều mà các nhà làm công tác quản lý tài chính phân vân khi phân tích cho thấy: Không phải ngân hàng nào mở chi nhánh ở Đà Nẵng cũng đều có lợi nhuận ngay cả, có ngân hàng phải mất vài ba tháng, thậm chí nửa năm hoạt động mới có kết quả. Đó là chưa kể các chi phí ban đầu bỏ ra rất lớn như tiền thuê nhà, sắm trang thiết bị, trả lương cán bộ... Chính điều này làm cho chất lượng phục vụ, sự đa dạng của sản phẩm ở các ngân hàng luôn có sự không đồng đều. Điển hình, sau cơn “sốt” chứng khoán thì hàng loạt các đại lý nhận lệnh chứng khoán ra đời, nhưng hiện nay có được mấy đại lý nhận lệnh chứng khoán còn “sống”. Nhiều đại lý nhận lệnh chứng khoán chỉ có dăm ba người đến và đi, thậm chí ngay trong giờ khớp lệnh có đại lý không thấy bóng một nhà đầu tư.
Các ngân hàng cũng cạnh tranh ráo riết để thu hút khách hàng khiến cho nhiều ngân hàng nhỏ, vốn ít, ra đời sau lâm vào khó khăn. Bên cạnh đó, bài toán về nhân lực mới là vấn đề cốt lõi hiện nay của hầu hết các ngân hàng, khi thị trường phát triển nhanh như vậy thì kéo theo nhu cầu cung về nhân sự cũng tăng lên. Điều này, vô hình trung tạo ra cơn sốt “ngầm” về nhân lực trong các ngân hàng. Có người mới hôm qua là nhân viên thị trường của ngân hàng A, hôm nay đã là Trưởng phòng giao dịch của ngân hàng B; có người chỉ mới vào làm một hai năm, nay đã là phó giám đốc, cho dù năng lực cũng ở mức vừa phải. Sự dịch chuyển nhân lực từ ngân hàng này sang ngân hàng khác đang diễn ra ào ạt, theo đó cũng phát sinh không ít những khó khăn vướng mắc. Có người ví von rằng, nhân lực của thị trường tài chính Đà Nẵng đang được đẩy lên mây xanh, và chính sự thiếu hụt về kinh nghiệm quản lý, công tác thực tế sẽ tiềm ẩn những nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào, mà thực tế đã chứng minh những vụ án liên quan đến ngân hàng có một phần “đóng góp” của các cán bộ tín dụng, cũng như cán bộ quản lý.
Song, các tín hiệu gần đây cho thấy nền kinh tế các tỉnh miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã khởi sắc, đó là điều kiện rất tốt cho sự phát triển các dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, do đặc điểm của khu vực phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên định hướng kinh doanh của ngân hàng cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Vì vậy, với những khó khăn vừa nêu trên, việc phát triển thị trường tài chính Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính của khu vực cần rất nhiều yếu tố cấu thành. Trong đó, chúng ta đã có “thiên thời, địa lợi” những tiềm năng về cơ hội phát triển, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, là trung tâm kinh tế của khu vực, điểm cuối tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây... Còn “nhân hòa”, theo lãnh đạo một trường đại học, phải mất vài ba năm nữa ta mới có được đội ngũ kế thừa có trình độ.
Bài và ảnh : THÀNH LÂN