Do đặc điểm địa lý, thủy văn của hệ thống sông ở miền Trung - Tây Nguyên với lưu lượng mưa hằng năm rất lớn so với cả nước (từ 2.000 mm/năm trở lên) nên hệ thống sông suối ở khu vực này ẩn chứa một tiềm năng thủy điện rất lớn, đặc biệt là hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Đà Nẵng.
Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc khu vực địa lý tự nhiên Kon Tum - Nam Nghĩa. Lưu vực này là vùng lõm trung sinh đại, hướng dốc chủ yếu là tây nam, đông bắc có diện tích 1.0370 km2 . Đường phân thủy của lưu vực khá rõ, phía bắc là dãy núi Bạch Mã, một nhánh của dãy Trường Sơn có các đỉnh núi cao như Bà Nà (1.478m), núi Mang (1.708m), phía tây là dãy núi biên giới Việt - Lào có các đỉnh núi cao như núi Không tên (1.900m), phía nam cũng là một mạch ngang của dãy Trường Sơn ăn ra biển Đông chạy qua những đỉnh núi cao như Ngọc Linh (2.593m), Hòn Ba (1.358m), Núi Chúa (1.363m).
|
Chặn dòng sông Tranh 2. |
Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn do 2 nhánh sông hợp thành là sông Vu Gia và sông Thu Bồn. Sông Vu Gia có diện tích lưu vực là 5.380 km2 với chiều dài khoảng 160 km được chia thành 4 đoạn với 4 tên gọi khác nhau. Đoạn đầu dài khoảng 36km với tên gọi là sông Đak Mỹ, đoạn 2 từ vị trí hợp lưu với suối Đak Công (bờ tây) đến cửa sông Giằng có tên gọi là Đak Mi, đoạn tiếp theo đến khi nhập lưu với sông Bung có tên gọi là sông Cái, đoạn còn lại tới thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) có tên gọi là sông Vu Gia. Đặc điểm của đoạn sông này là lòng sông gồ ghề, nhiều thác ghềnh, độ dốc lớn, lòng sông mở rộng về phía dưới với nhiều bãi bồi và có hiện tượng phân dòng vào mùa khô kiệt. Liên quan đến sông Vu Gia có con sông Bung bắt nguồn từ biên giới Việt - Lào, nơi có đỉnh núi cao tới 1.700m, với chiều dài dòng chảy là 133 km, tuyệt đại bộ phận lòng sông có nhiều thác ghềnh, thuyền bè không qua lại được, nhưng sông Bung đã cấp một lượng nước đáng kể cho sông Vu Gia.
Sông Thu Bồn nếu tính đến Giao Thủy có diện tích lưu vực là 3.650 km2, chiều dài dòng chính là 160 km, riêng đoạn từ Giao Thủy đến cửa biển Hội An dài 54 km. Sông được bắt nguồn từ sườn phía bắc của ngọn núi Không tên cao 1.686m gần khu vực biên giới 3 tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi - Kon Tum. Cũng như sông Vu Gia, các đoạn của sông cũng có tên gọi khác nhau, đoạn đầu đến gần suối Nước Lah mang tên Đak Di, sau đó mang tên là Nam Nim, đoạn tiếp theo đến trước cửa sông Thu Bồn mang tên sông Tranh, đoạn cuối đến khi hợp lưu với sông Vu Gia gọi là Thu Bồn.
|
Thi công công trình thủy điện sông Tranh 2. |
Theo tính toán của Công ty Tư vấn xây dựng điện 1, trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn có tới 10 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy 1.279 Mw, gấp 1,76 lần so với Nhà máy Thủy điện Yaly (Gia Lai - Kon Tum), sản lượng điện bình quân hằng năm là 4.751,3 tỷ kWh. Trong đó có nhiều công trình thủy điện có các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tốt có thể sớm đưa vào xây dựng được như A Vương 1, Sông Tranh 2, Đak Mi 4, Sông Bung 4, Sông Côn 2 và Đak Mi 1... Trên cơ sở nghiên cứu trên và sự phát triển tất yếu của ngành Điện do nhu cầu về phụ tải ngày càng tăng, từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đã có hàng chục công trình được khởi công xây dựng với tổng công suất lắp máy là 2.699 Mw. Dự kiến vào năm 2010, hầu hết các công trình này sẽ được khai thác sử dụng. Trong đó, riêng ở hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn sẽ có 3 công trình là Thủy điện A Vương, Thủy điện Sông Tranh 2, Thủy điện Sông Bung 2 với tổng công suất 600 Mw. Hiện đã có 5 công trình đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và khả thi, một số công trình đã có chủ đầu tư đang chờ giấy phép xây dựng, số còn lại đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương kêu gọi các chủ đầu tư. Ngoài ra, còn rất nhiều công trình thủy điện nhỏ và vừa (có công suất lắp máy thấp hơn 50 Mw) đang trong giai đoạn xây dựng. Dự kiến trong năm 2009 sẽ có 2 công trình được đưa vào khai thác.
Theo kiến nghị của các chuyên gia thì các công trình còn lại nếu được xây dựng hệ thống các nhà máy theo hình bậc thang (sử dụng nước xả của nhà máy ở thượng nguồn vào việc chạy tuốc-bin của nhà máy ở hạ lưu) là phương án tối ưu nhất.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH