.
Hội thảo “Tác động từ việc gia nhập WTO đến kinh tế và xã hội Việt Nam”

Đề xuất các chính sách nhằm hạn chế tác động tiêu cực

Sáng 4-4, tại Đà Nẵng, Bộ Công thương đã phối hợp với Ủy ban châu Âu tổ chức Hội thảo “Tác động từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới đến kinh tế và xã hội Việt Nam”.

Hội thảo đã tập trung phân tích những tác động của việc gia nhập WTO trên các phương diện khác nhau như tác động từ việc gia nhập WTO đối với kinh tế vĩ mô; tác động của tự do hóa thương mại và gia nhập WTO đến công nghiệp và nông nghiệp Việt Nam; tác động đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam; tác động xã hội và phi thương mại của việc gia nhập WTO.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc tham gia WTO là một dấu mốc quan trọng đã mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam phát triển kinh tế. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của những biến đổi kinh tế thế giới trong năm qua, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,5%, xuất khẩu đạt xấp xỉ 22% và đầu tư nước ngoài trên 2 tỷ USD. Cơ cấu kinh tế phát triển, nền tảng khung pháp lý không ngừng được hoàn chỉnh thông qua việc tích cực tham gia các vòng đàm phán đa phương đã tạo điều kiện thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo đánh giá từ các tham luận và ý kiến trao đổi tại Hội thảo, tuy có nhiều lợi ích và cơ hội mang lại từ việc Việt Nam gia nhập WTO và tham gia các thỏa thuận thương mại khu vực nhưng cũng làm nảy sinh nhiều thách thức to lớn đối với nền kinh tế và xã hội. Bên cạnh những tác động tích cực như: WTO cung cấp công cụ pháp lý chống lại chính sách bảo hộ của các thành viên; công cụ pháp lý được hỗ trợ bởi quy trình giải quyết tranh chấp độc lập của WTO; gia nhập WTO nâng cao uy tín và độ tin cậy của chính sách… thì việc thực thi các cam kết WTO cũng làm phát sinh mối quan ngại về mặt xã hội song hành cùng cải cách chính sách và tự do hóa thương mại. Một số ngành kinh tế trong nước cũng có thể phải đối mặt với khó khăn trong việc điều chỉnh theo áp lực cạnh tranh ngày càng tăng phát sinh từ những cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.

Theo ông Claudio Dordi, Giáo sư Trường ĐH Bocconi của Italia và cũng là Chuyên gia EU Dự án MUTRAP thì những cải cách do yêu cầu của WTO góp phần làm nền kinh tế Việt Nam tự do hơn. Càng tự do hóa (mở cửa), nền kinh tế càng nhạy cảm và dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc bên ngoài như lạm phát và cạnh tranh tăng lên. Gia nhập WTO làm tăng mạnh FDI nhưng cũng dẫn tới dư thừa vốn, một trong những yếu tố chính làm tăng lạm phát; gia tăng sự bất bình đẳng do thu nhập của một bộ phận người lao động có kỹ năng tăng mạnh trong khu vực FDI; khoảng cách nông thôn-thành thị, địa phương giàu-nghèo tăng do sự khác biệt về giáo dục, cơ sở hạ tầng, năng lực của từng vùng, từng địa phương...

Từ việc phân tích những cơ hội và thách thức cũng như đánh giá tác động của việc gia nhập WTO đến nền kinh tế và đời sống xã hội, các chuyên gia kinh tế tham gia Hội thảo lần này đã đưa ra đề xuất các chính sách nhằm hạn chế những tác động tiêu cực trong quá trình thực hiện cam kết WTO.

Đó là Chính phủ cần tăng cường và thực hiện một cách sâu sắc cải cách về thể chế và cơ cấu, tăng sự minh bạch và thông thoáng, giảm RIA (những tác động do chính sách mang lại) như là một thủ tục bắt buộc đối với cải cách chính sách; sửa đổi Luật đầu tư về việc cấp phép đầu tư và các quy định khác để thuận lợi và đơn giản hơn việc thực hiện; đối xử công bằng đối với tất cả các doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước và các tập đoàn kinh tế của Nhà nước để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng; các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ cần được phát triển, đặc biệt là trong các khu và trung tâm công nghiệp; khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị quốc tế thông qua việc tạo lập khung pháp lý phù hợp; cải cách và phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo, từ trường đại học đến đào tạo nghề trong sự phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp để cải thiện tình hình cung cấp nguồn nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng; hỗ trợ cho các gia đình dưới ngưỡng nghèo và gần ngưỡng nghèo; phát triển cơ sở hạ tầng cần được đẩy nhanh qua việc cho phép sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này...

ĐOÀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.