Kinh tế

Một số ý kiến từ Diễn đàn kinh tế miền Trung- 2008

Doanh nghiệp hợp tác và phát triển

10:22, 25/04/2008 (GMT+7)

Hôm qua, tại Đà Nẵng, Báo Tuổi Trẻ đã tổ chức Diễn đàn kinh tế miền Trung năm 2008. Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - địa phương tổ chức đăng cai làm Chủ tịch Diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có các đại biểu Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành miền Trung và trên 450 đại biểu của các cơ quan, doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng - Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ phát biểu khai mạc diễn đàn cho biết: Miền Trung có khoảng 40.000 DN, đây là động lực của nền kinh tế khu vực. Vấn đề hiện nay là cần có sự liên kết để hợp tác và phát triển.

Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề liên kết, hợp tác trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Các địa phương miền Trung đang cố gắng tìm ra phương thức hợp tác, liên kết để phát triển, song kết quả vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Tại diễn đàn đã có 20 tham luận gợi mở các vấn đề liên kết phát triển kinh tế ở khu vực miền Trung như liên kết phát triển du lịch, thị trường bất động sản, thu hút đầu tư, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực…

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức đã tiến hành trao giải thưởng “Vì sự cống hiến cho miền Trung” cho 22 DN và 6 cá nhân.

TRIỆU TÙNG

 

MỘT SỐ Ý KIẾN TỪ DIỄN ĐÀN


Tiến sĩ LÊ ĐĂNG DOANH (Chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch- Đầu tư):
Liên kết phát triển với tầm nhìn xa hơn

Bức tranh kinh tế thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy của các nền kinh tế thuộc khu vực Đông Bắc Á bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và các vùng lãnh thổ thuộc Nga.

Cùng với đó là Nhật Bản, do đó các tỉnh, thành khu vực miền Trung đang đứng trước những cơ hội lớn để liên kết phát triển với tầm nhìn xa. Miền Trung là nơi trung chuyển hàng hóa, cung cấp nguồn nhân lực, dịch vụ đối với các quốc gia phía Nam và Tây Á. Cụ thể là khai thác tốt tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây.


Tiến sĩ TRẦN VĂN MINH (Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng):
Hợp tác phát triển dịch vụ là một lợi thế



Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã đạt được sự thống nhất trên một số vấn đề về thu hút đầu tư, phát triển du lịch, giáo dục-đào tạo, tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế như APEC năm 2006.

Các cơ quan quản lý về du lịch của Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế cũng đã có những hành động tích cực nhằm triển khai một số chương trình liên kết hợp tác để khai thác tiềm năng và lợi thế về du lịch, khai thác con đường di sản miền Trung.


Tiến sĩ LÊ TRỌNG BÌNH (Viện Trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Việt Nam):
Không nên dàn hàng ngang để làm Resort


Không phủ nhận về tiềm năng phát triển du lịch ở khu vực miền Trung. Vấn đề đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cần có định hướng khai thác các giá trị tài nguyên một cách bền vững.Trong đó vai trò quản lý Nhà nước, quản lý ngành cần có sự phân công, điều phối.

Đã có địa phương đầu tư du lịch ngoài vùng quy hoạch phát triển của ngành Du lịch và có dấu hiệu dàn hàng ngang để làm các khu du lịch (Resort). Vấn đề của du lịch Việt Nam là đang rất cần phòng lưu trú. Mục tiêu đến năm 2010 nếu đón 6 triệu lượt khách quốc tế thì cần có 220.000 phòng lưu trú, nhưng hiện nay chỉ có 130.000 phòng. Khai thác du lịch không chỉ cần hạ tầng mà cái cần là sản phẩm du lịch.

NAM PHƯƠNG (Thực hiện)

 

.