Với một kỹ thuật pha chế đơn giản, các bình nhớt không có tên tuổi trong phút chốc đã khoác trên mình những cái tên nghe rất “kêu”. Không phải ai cũng nhận ra, nhưng mỗi ngày có tới hàng trăm người tiêu dùng bị “móc túi” một cách dễ dàng khi đi thay nhớt cho xe gắn máy.
Bịp mắt người tiêu dùng
Rửa xong chiếc xe máy, ông chủ tiệm rửa xe trên đường Nguyễn Lương Bằng “choảng” ngay một câu: “Thay nhớt luôn chứ chú em?”. Suy nghĩ một hồi, tôi đồng ý.
Mỗi khi đi rửa xe, thay nhớt, người tiêu dùng ít quan tâm đến nhãn mác của sản phẩm. |
“Thế ở đây có những loại nhớt gì?”. “Chú thích loại nào có loại ấy, giá từ 32-45 nghìn đồng/bình, loại một lít. Nhưng với chiếc xe Trung Quốc như thế này thì cần gì phải thay loại đắt tiền cho phí, 32 nghìn là chạy vô tư rồi, chứ để lâu không thay hỏng máy như chơi”.
Thay xong nhớt cho xe, cầm chiếc vỏ bình tôi mới để ý đến nhãn hiệu nhớt rất lạ (hiệu King). Xem kỹ mới thấy, loại dầu nhớt này được đóng gói tại DNTN Huy Phúc có địa chỉ tại Quang Thành, Liên Chiểu, Đà Nẵng. Nhẩm tính với giá 34 nghìn đồng/bình, đúng là rẻ hơn từ 12- 14 nghìn đồng so với một bình nhớt hiệu Castrol, có lẽ không cần phải suy nghĩ nhiều.
Qua thông tin từ một nhà phân phối nhớt, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng chục loại dầu nhớt do DN Đà Nẵng “tự sản xuất” và giá cả gần như nhau (từ 30-36 nghìn đồng/bình loại 1 lít). Bất ngờ hơn, toàn bộ sản phẩm dầu nhớt được “sản xuất” tại Đà Nẵng với công nghệ hết sức đơn giản, ai cũng có thể làm được. Chỉ cần có chút vốn vài chục triệu đồng, đầu tư một số “máy móc”, sau đó mua nhớt đựng trong phuy loại 200 lít về sang ra bình nhỏ. Công đoạn tiếp theo là đóng nắp, đặt tên cho sản phẩm, dán nhãn và đóng thùng rồi cho “đội quân” tiếp thị tung ra thị trường. Với cách thức làm ăn này, không mấy người tiêu dùng nghĩ rằng mình bị mắc lừa mỗi khi thay nhớt cho “con ngựa sắt”. Khách hàng đi bảo dưỡng xe ít khi quan tâm đến việc cửa hàng thay loại dầu nhớt nào cho xe của mình mà chỉ chú ý đến khâu tính tiền, thấy giá cả hợp lý là lần sau ghé lại.
Để nhận biết một bình nhớt thông dụng dùng cho xe gắn máy loại sang chiết từ phuy sang bình quả thật không phải là chuyện ai cũng biết, bởi hầu hết các thông số ghi trên nhãn mác của bình nhớt rất nhỏ như dòng chữ “Đóng gói tại công ty…”. Có những sản phẩm mọi thông tin về tính năng được ghi rất rõ ràng và cụ thể trên nhãn mác, nhưng riêng dòng chữ đóng gói tại DN hay cơ sở… lại ghi bằng tiếng nước ngoài. Chính vì sự mập mờ này, nhiều người tiêu dùng vô tình bị “móc túi” trên 10 nghìn đồng/bình cho một lần thay nhớt.
Nhớt sang chiết từ phuy sang bình xuất hiện khá nhiều tại các tiệm sửa xe ở vùng nông thôn. |
Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, nếu một bình nhớt sang chiết loại 1 lít có giá bán lẻ trên thị trường 34 nghìn đồng, nhà sản xuất trừ chi phí làm bình, in nhãn mác và nhân công hết khoảng 4.000 đồng. Khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nhà sản xuất lời từ 1.500-2.000đồng/bình, nhà phân phối lời 2.000 đồng/bình, cửa hàng sửa chữa xe máy lời 5.000-6.000 đồng/bình. Hiện giá nhớt đóng phuy loại thấp nhất khoảng 3,6 triệu đồng/phuy 200 lít, như vậy một lít nhớt phuy có giá xấp xỉ 18 nghìn đồng.
Trong quá trình sang chiết từ phuy sang bình sẽ mất một khoản chi phí nhỏ như đã đề cập ở trên và lợi nhuận được chia cho nhiều người, khiến giá thành của một bình nhớt đến tay người tiêu dùng đã đội lên thêm 14 nghìn đồng/lít. Chỉ có điều nhớt đóng trong bình sẽ được khoác trên mình nhãn hiệu hẳn hoi bằng những thông số về tính năng của sản phẩm “nhớt xịn”. Đã vậy, người tiêu dùng lại nhầm tưởng mua được nhớt giá rẻ so với các hãng nhớt khác, nhưng thực tế đằng sau đó, chỉ có người trong nghề mới biết rõ…
Thấy gì qua “lò” sang chiết nhớt?
Lần theo thông tin ghi trên nhãn mác các sản phẩm nhớt Extra, Dream.S, loại bình 1 lít, được đóng gói tại DNTN Tăng Nguyên, địa chỉ 102 Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu, nhưng khi tìm đến địa chỉ này, có người cho biết, DN đã chuyển đi nơi khác, mặc dù tấm biển tên DN Tăng Nguyên vẫn được treo trước số nhà 102.
Một số sản phẩm nhớt được sang chiết từ phuy. |
Phải mất cả giờ đồng hồ, chúng tôi mới tìm được địa chỉ mới của DN “sang chiết” sản phẩm nhớt nói trên ở 127 Tô Hiệu, quận Liên Chiểu. Sau hơn nửa giờ hỏi chuyện về thị trường nhớt hiện nay, tôi đề cập đến vấn đề sang chiết nhớt từ phuy sang bình như vậy có vi phạm không? Giám đốc DN này trả lời chắc như đinh đóng cột: “Chẳng có gì là vi phạm cả, trước khi làm, DN đã đăng ký giấy phép kinh doanh, đăng ký thương hiệu cho sản phẩm và đăng ký cả về chất lượng nữa”.
Trong vai một người đi tìm mối nhớt rẻ để cung cấp cho các tiệm sửa xe ở Thừa Thiên - Huế, chúng tôi gặp một người tên là Cường, giám đốc DNTN Huy Phúc, chuyên sang chiết nhớt với quy mô nhỏ. Qua lời kể của anh Cường, công nghệ sang chiết nhớt thật đơn giản, vốn đầu tư không nhiều, chỉ cần bỏ ra vài chục triệu đồng, cộng với khâu tiếp thị tốt là có thể “kiếm” được. Để đầu tư một “dây chuyền” sang chiết “thủ công”, cần vài chục triệu đồng và chia làm nhiều công đoạn. Đầu tiên là tìm mối hàng nhớt phuy có giá rẻ, đi đặt khuôn thổi bình nhớt, đặt máy đóng nắp bình, đặt tên và đăng ký “tên tuổi” cho sản phẩm.
Sau khi thủ tục hoàn tất, việc pha chế tương đối đơn giản, chỉ cần 2- 3 người là “OK”. Nhớt từ phuy được đổ ra bình lớn, rồi chiết sang bình nhỏ, cân đủ trọng lượng và dùng máy đóng ép nắp bình. Trung bình một ngày với “dây chuyền” như thế này cũng cho ra lò được cả ngàn bình. Ở các vùng nông thôn, sản phẩm dầu nhớt có “xuất xứ” từ nhớt phuy chiết sang bình nhiều vô kể, trong khi giá của sản phẩm bị “đội” lên gấp gần 2 lần so với giá thực của nó. Nhưng đáng buồn thay, bấy lâu nay người tiêu dùng còn quá mù mờ về thông tin chất lượng dầu nhớt.
Rõ ràng, việc lập lờ nhãn hiệu trên bình nhớt như: Địa chỉ của nhà sản xuất, nơi đóng gói không rõ ràng, cụ thể hoặc ghi bằng tiếng nước ngoài là sai phạm về nhãn mác, chưa nói đến chất lượng và độ tin cậy của các thông số. Vậy việc sang chiết nhớt từ phuy sang bình có vi phạm và gian lận thương mại hay không? Câu trả lời xin nhường lại cho cơ quan chức năng.
TRỌNG HÙNG