.
PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI:

Khẩn cấp dập tắt dịch heo tai xanh để bảo vệ đàn gia súc

.

* Nóng bỏng chống dịch heo tai xanh ở Đà Nẵng

Ngày 10-4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì họp khẩn cấp với đại diện các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công thương... để bàn biện pháp khẩn cấp ngăn chặn dịch heo tai xanh, dịch lở mồm long móng gia súc và cúm gia cầm.

Liệu có người chở heo lậu nào chạy trên đường này nếu họ biết chắc có chốt kiểm dịch gia súc, gia cầm phía trước? Ảnh: N.C

Trước tình hình dịch bệnh heo tai xanh bùng phát mạnh, gây hậu quả rất nặng nề, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải quyết định: Tạm ứng cho tỉnh Thanh Hóa 70 tỷ đồng, Hà Tĩnh 25 tỷ, Nghệ An 15 tỷ và Quảng Nam 10 tỷ đồng. Nhà nước sẽ hỗ trợ những gia đình có heo bị dịch bệnh phải tiêu hủy là 25.000 đồng/kg lợn hơi.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách cụ thể về tổ chức và kinh phí phòng, chống dịch heo tai xanh và dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Từ năm 2005 trở lại đây, dịch bệnh xảy ra với gia súc, gia cầm đã gây thiệt hại cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam; năm nào cũng có dịch nhưng chính quyền các cấp, ngành đã chủ quan dẫn đến công tác phòng dịch chưa được tổ chức chu đáo. Khi dịch xảy ra có địa phương phát hiện chậm, chế độ thông tin, báo cáo không kịp thời; thái độ chống dịch không dứt khoát, triệt để và chưa đồng bộ dẫn đến người dân bán gia súc “chạy dịch’’ và làm lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

Vì vậy, biện pháp cấp bách để ngăn chặn dịch bệnh là: Tiêu huỷ ngay cả đàn gia súc, nếu phát hiện trong đàn có con bị nhiễm bệnh dịch; việc tiêu huỷ phải đúng quy trình, kỹ thuật; khoanh vùng dịch; củng cố các chốt, trạm kiểm dịch; nghiêm cấm tuyệt đối việc vận chuyển, giết mổ gia súc trong vùng dịch, tăng cường lực lượng thú y cơ sở. Địa phương nào có dịch phải tổ chức kiếm soát chặt chẽ, báo cáo nhanh cho các cấp lãnh đạo; đồng thời huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật, hoá chất để dập tắt ổ dịch.

Phó Thủ tướng lưu ý: Dịch bệnh ngày càng có nhiều biến thể phức tạp, vì vậy phải kiểm tra dịch bệnh thường xuyên. Các Bộ, ngành chức năng phải chỉ đạo, phối hợp lực lượng để kiểm tra dịch bệnh, kiểm soát thị trường, cung ứng tài chính, kỹ thuật để kịp thời dập tắt ổ dịch, hạn chế thấp nhất tình trạng lây lan dịch bệnh. Công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh phải được chú trọng thường xuyên, liên tục từ Trung ương tới xã, phường để nhân dân hiểu rõ dịch bệnh và có trách nhiệm hợp tác với chính quyền để phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Phó Thủ tướng đồng ý để Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn nhập ngay 100 nghìn liều vắc-xin để tiêm phòng cho đàn lheo nái ở khu vực gần vùng có dịch, đồng thời xuất nguồn dự trữ quốc gia về hoá chất tẩy trùng...; đồng thời, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đề án tổng thể khôi phục đàn gia súc, tổ chức tiêm phòng dịch cho gia súc, gia cầm và kiểm tra thường xuyên...không để bị động khi có dịch xảy ra.

Báo cáo nhanh của các tỉnh cho thấy, tình hình dịch heo tai xanh đã bùng phát dữ dội tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Nam. Địa phương bùng phát dịch lớn và bị thiệt hại nhiều nhất là tỉnh Thanh Hóa, xuất hiện dịch heo tai xanh vào khoảng ngày 20-3, nhưng đến ngày 28-3, dịch đã phát triển ở 33 xã thuộc 6 huyện của tỉnh này... Số heo bị dịch bệnh ở Thanh Hóa phải tiêu huỷ đến hết ngày 9-4-2008 đã hơn 69.000 con. Nhờ những biện pháp khoanh vùng dịch và tiêu huỷ kịp thời số heo bị dịch và heo cùng đàn nên tạm thời tốc độ lây lan dịch lợn tai xanh tại 4 tỉnh trên đã chậm lại.

Dịch heo tai xanh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, đòi hỏi cả nước phải chú trọng phòng dịch gắn với chống dịch kịp thời sẽ hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh. 

* Chi cục Thú y thành phố xác nhận, hiện đang có tình trạng chở heo từ Quảng Nam (chủ yếu heo nái) ra Đà Nẵng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát hiện địa điểm tiêu thụ. Cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương cần phối hợp với Chi cục Thú y sớm ngăn chặn tình trạng vận chuyển heo trái phép, xử lý nghiêm những kẻ vi phạm.

Kể từ ngày dịch heo tai xanh bùng phát ở Quảng Nam, công tác chống dịch ở Đà Nẵng khá nóng bỏng. 7 điểm trạm chốt chặn trên các tuyến giao thông chính hoạt động 24/24 giờ trong ngày, ngăn chặn khá hiệu quả tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm vào thành phố. Chỉ tính riêng Trạm Kiểm dịch Hòa Phước, 4 ngày qua đã phát hiện 14 xe gắn máy chở 65 con heo, một xe ô-tô BKS 43K-4612 chở 12 nghìn quả trứng, đều không có giấy kiểm dịch từ Quảng Nam ra. Trạm đã tiêu độc khử trùng và buộc quay trở lại. Ngày 8-4, chốt tại quận Ngũ Hành Sơn cũng phát hiện, buộc đưa trở lại 8 con heo. Cán bộ, nhân viên tăng cường về cơ sở giám sát dịch bệnh và tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Tuy nhiên, tình trạng vận chuyển heo từ Quảng Nam ra Đà Nẵng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, do có quá nhiều đường giao thông nông thôn nối liền 2 địa phương, ý thức chống dịch của một số người kinh doanh heo chưa cao. Hiện nay, việc phối hợp giữa cơ quan thú y và thanh tra thú y trong chống dịch chưa đồng bộ. Lực lượng thanh tra thú y mỏng (chỉ 2 người) không thể bao quát hết toàn bộ địa bàn.

TTXVN và NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.