.

Đâu là giá trị thực của nhà đất Đà Nẵng?

.

Sau cơn sốt đất hồi cuối năm 2007 và đầu năm 2008 vừa qua, thị trường nhà đất Đà Nẵng hiện nay đã có dấu hiệu chững lại và đang dần trở về giá trị thực của nó. Những lô đất nền có giá vài tỷ đồng trước đây, giờ rao bán với giá thấp hơn rất nhiều, song vẫn vắng bóng người mua. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Đường Nguyễn Văn Linh, một trong những tuyến đường có giá đất cao của thành phố.


Trước hết phải nhận ra rằng, nhu cầu nhà đất của người dân thành phố chưa đến mức quá nóng như ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Mặt khác, khả năng “cung” của thị trường nhà đất Đà Nẵng còn rất lớn, nhất là khi một số cao ốc, văn phòng cho thuê, khu chung cư mới... sắp sửa đưa vào hoạt động, phần nào đã khiến cho cơn sốt đất ở Đà Nẵng hạ nhiệt. Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến cho thị trường bất động sản Đà Nẵng biến động theo chiều hướng giảm, chính là giá trị thực của nhà đất Đà Nẵng không phải ở mức giá như cơn sốt “ảo” vừa qua tạo ra.

Nếu như trước đây, giá đất mặt tiền đường Phạm Văn Đồng tăng khoảng từ 14-15 triệu đồng/m2; giá đất nền trên các trục đường 30-4, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn... tăng vọt gấp hai ba lần, thì hiện nay đã giảm xuống rất nhiều. Cụ thể, một lô đất nền trên đường 30-4, hướng nam, diện tích trên 100m2  trước đây được “hét” giá 2,5 tỷ đồng, giờ rao bán với giá 1,5 tỷ đồng, song cũng rất khó tìm được người mua.

Tương tự, giá đất ở các trục đường chính như Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng... đang giảm khoảng 20-30% so với giá hồi đang sốt. Những lô đất thuộc các khu dân cư xa trung tâm thành phố như Vũng Thùng, Hòa Minh, An Đồn, bên kia cầu Cẩm Lệ... cũng đã giảm khoảng 30-35% so với khi giá ở đỉnh điểm.  

Thật ra, giá trị của một lô đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vị trí, diện tích, hướng... Chính vì vậy, trên cùng một đoạn đường, một khu dân cư nhưng giá của lô đất hướng đông cao hơn lô đất hướng tây, nên cũng rất khó để xác định giá trị thực của nó. Theo anh Đức, một người chuyên mua bán đất nền thổ lộ: giá đất hiện nay ở một số khu dân cư như Hòa Minh 3 mở rộng, An Đồn... đối với đường 5,5m có giá từ 230 - 260 triệu đồng/lô tùy theo hướng.

Trong khi đó, cho dù đã giảm nhưng giá đất nền trên các trục đường chính như Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, 30-4, Nguyễn Tất Thành... vẫn không thể dưới 1 tỷ đồng cho một lô mặt tiền (khoảng 100m2). Thậm chí hiện nay, trên một số trang quảng cáo, rao vặt hay địa ốc, đất mặt tiền ở các trục đường chính này vẫn được rao bán với giá khá cao. Cụ thể, đất trên đường Nguyễn Tất Thành có giá 12 triệu đồng/m2, đất biệt thự trên đường Phạm Văn Đồng 25 triệu đồng/m2, đất trên đường Lê Duẩn 41 triệu đồng/m2 ... Và đây chưa phải là giá trị thực của nó.

Qua khảo sát thực tế tại một số khu dân cư, tuyến đường chính, mặc dù giá đất đã có dấu hiệu giảm, nhưng lượng giao dịch, mua bán vẫn chưa khởi sắc; nhiều trung tâm giao dịch bất động sản có số lượng người đến đăng ký giao dịch không nhiều, không ít các lô đất ký gửi đã lâu, song vẫn chưa có người hỏi mua. Vậy, nguyên nhân nào khiến giá đất luôn vượt xa giá trị thực của nó?
 
Trước hết có thể khẳng định rằng, giá đất tăng là do các “cò” đất phao tin đồn, khi cho rằng thành phố sẽ tiến hành đền bù cho các hộ dân trong diện giải tỏa dự án cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và các hộ dân phải tự lo liệu chỗ ở của mình, việc này khiến không ít người lo lắng. Bên cạnh đó, kết hợp với nhiều nhà đầu tư mua đất để đầu cơ và thông tin “ảo” từ các “cò” đất khiến cho thị trường nhà đất Đà Nẵng thêm rối rắm.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN

 

;
.
.
.
.
.