.

Doanh nghiệp và người lao động không mặn mà với hợp đồng lao động?

.

(ĐNĐT) - Theo phản ảnh của các doanh nghiệp (DN) ở KCN Hòa Khánh, tháng 7 và 8 vừa qua đã có tình trạng nhiều công nhân nghỉ việc, gây trở ngại cho tiến độ sản xuất của các đơn vị. Hầu như DN không thể giữ được các lao động này bởi chế độ ràng buộc của họ đối với công nhân khá lỏng lẻo. Trong đó, công nhân không ký hợp đồng lao động là một nguyên nhân.

Các DN và người lao động vẫn chưa thật sự quan tâm đến hợp đồng lao động.

Tiếp xúc với chúng tôi ngay tại khu nhà trọ chật hẹp trên đường Âu Cơ, một nhóm nữ công nhân Công ty TNHH Keyhinge Toys cho biết, họ đã làm việc tại KCN Hòa Khánh mấy năm nay, người ít nhất cũng đã 3 năm, song đến nay hầu như chưa ai có hợp đồng lao động chính thức.

Cô Trang, một công nhân đến từ Quảng Bình nói rằng, hợp đồng lao động ký lâu nhất của cô là thời hạn 1 năm, cách đây cũng đã 3 năm rồi, chưa hề ký lại và cô cũng chưa nghĩ đến chuyện ký tá thêm gì cả. Bây giờ, cô đã trở lại là công nhân lao động ngắn hạn, có trợ cấp tiền nhà ở của công ty, các chế độ bảo hiểm liên quan hợp đồng lao động đều không rõ ràng. Một nữ công nhân khác cho biết đang “dùng thẻ” của bạn để đi làm vì người đó về quê lâu rồi, cô “nhận suất thay chân” và giờ vẫn trong diện lao động ngắn hạn. Công ty hoàn toàn không biết việc này, và cô khẳng định không ít công nhân khác cũng đang làm như cô.

Điều đáng nói là hầu hết các công nhân này đều không hề áy náy vì họ không được ký hợp đồng lao động dài hạn. Có người thẳng thắn lắc đầu khi đề cập vấn đề này. “Ký chỉ thêm tốn tiền, bị trừ lương mà chưa chắc em đã được bảo đảm các chế độ dài lâu”, nữ công nhân “mang tên giả” nói như vậy. Phân tích của họ cho thấy, ổn định việc làm tại một DN là rất khó trong cảnh lương tiền thất thường hiện nay. Nếu ký hợp đồng lao động, các cô sẽ “bị trừ” tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho đến các khoản công ích, công đoàn… Với mức lương bình quân chưa quá 1,2 triệu đồng/tháng, các khoản ấy không hề nhỏ đối với họ. Trong khi đó, chỉ cần các cô đổi chỗ làm, là mọi chế độ từ hợp đồng trước đó đều bị xóa sạch. Cô Trang nói: “Ban đầu cũng thắc mắc khi bên chỗ làm mới không chịu duy trì bảo hiểm xã hội với lý do tuyển mới, nhưng rồi em cũng không quan tâm điều đó nữa”.

Ai cũng hiểu lý do đơn giản để nhiều DN vẫn nhập nhèm các chính sách ký hợp đồng lao động, mua bảo hiểm xã hội cho công nhân là nhằm tiết giảm chi phí. Song thực chất, khi điều ấy lại diễn ra từ chính suy nghĩ của người lao động, rõ ràng là một vấn đề khác.

Theo phân tích từ một cán bộ Công đoàn KCN và chế xuất Đà Nẵng, cần có điều chỉnh về quan hệ lao động và sử dụng lao động hiện nay, liên quan tận tầm vĩ mô của ngành lao động. Đó là tại sao sổ lao động của người lao động không thể chủ động do họ quản lý, để dù có thay đổi công việc, họ vẫn có cơ hội duy trì các chế độ hưởng lại từ các khoản đã đóng góp.

Người lao động sẽ không được nhận đầy đủ các chế độ, chính sách dài lâu khi không ký hợp đồng lao động.

Bản thân ngành lao động nên kết nối nghiêm túc hơn với các DN, chủ sử dụng lao động về trách nhiệm duy trì tiếp các hồ sơ lao động, chế độ hợp đồng hay bảo hiểm liên can cho mọi công nhân, dù là tuyển mới. Khi người lao động cầm sổ lao động đi tìm việc, họ sẽ ký tiếp được phần trách nhiệm về chế độ lao động của mình, và cộng dồn lại sẽ thành quá trình làm việc được ghi nhận.

Chính do khoảng cách bất cập về cơ hội tiếp nối chế độ lao động như vậy, mà nhiều công nhân đã không thiết tha với quyền lợi chính đáng phải được ký hợp đồng dài hạn của họ. Hệ quả kéo theo là không chỉ công nhân bị thiệt thòi trong suốt quá trình làm việc nhiều năm, mà các DN cũng khó duy trì được quan hệ mật thiết, níu giữ lao động dài lâu để ổn định sản xuất. 

Ở mỗi giai đoạn khó khăn về kinh tế, luân chuyển lao động tự do theo đó lại diễn ra phức tạp, càng khiến các DN thêm ngần ngại về chính sách cho người lao động. Cơ hội rút ngắn khoảng cách giữa công nhân và chế độ đãi ngộ xứng đáng càng kém đi. Nhiều nữ công nhân khẳng định chỉ nghĩ đến hợp đồng lao động khi cần nhận bảo hiểm xã hội sau sinh nở hoặc bệnh dài ngày, còn các nam công nhân lại càng thờ ơ bởi không tin sẽ được gì sau thời gian làm việc trong DN.

Thực trạng trên đang tạo nên một bối cảnh lao động bấp bênh ở các DN sản xuất ở Đà Nẵng cũng như các địa phương khác, mà lời giải chắc chắn không chỉ do một bộ, ngành hay chính quyền sở tại nào đơn lẻ làm được. Phải chăng vì vậy mà các DN tại KCN Hòa Khánh, dù phản ánh tình trạng khó khăn do lao động biến động, vẫn phải chấp nhận tiếp tục tuyển dụng lại chính những công nhân có thể vừa mới nghỉ việc tháng trước của mình?

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.