.

Gập ghềnh nghề chẻ đá

.

Cái thời chẻ đá “đẻ” ra tiền ấy nay không còn nữa nhưng hàng chục hộ dân của xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, vẫn cần mẫn ngày ngày chẻ đá. Đá có sẵn tại địa phương, họ khai thác rồi về cưa, chẻ và bán cho các nhà thầu xây dựng. Nghề chẻ đá đang được nhiều người lựa chọn, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động từ nhiều nơi đổ về.

Đá chẻ

Đến thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn, tiếng đập, tiếng chẻ, tiếng cưa râm ran cả làng. Tôi ghé vào xưởng đá đầu tiên cũng là lúc tốp thợ nghỉ tay ngồi lên đống đá lởm chởm rít thuốc lào. Qua trò chuyện, tôi được biết đây là nhóm thợ đến từ huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Anh Lê Văn Chung (30 tuổi) cho biết:
 
“Mình từ ngoài quê vào đây làm khoán cho người ta, chẻ mỗi khối được 25 nghìn đồng, ngày gặp đá “ngon” thì được vài ba khối, gặp loại khó thì chẳng được bao nhiêu. Vài tháng nhận tiền công một lần về quê thăm vợ con rồi lại vào làm tiếp. Mấy năm trước còn làm ăn được, nhưng giờ người mua ít đi nên thu nhập cũng giảm đáng kể”. Còn anh Nguyễn Văn Hùng, cùng quê với anh Chung, tuy chưa có vợ nhưng cũng chẳng dư giả được bao nhiêu. Muốn có tiền gửi về nhà thì phải chăm làm và “hút thuốc lào thay thuốc lá”.

Thôn Phú Thượng chỉ là “cửa vào” của làng đá chẻ xã Hòa Sơn, thôn Xuân Phú và Phú Hạ mới là nơi có những xưởng đá lớn. Tại xưởng của gia đình anh Nguyễn Văn Đồng (thôn Phú Xuân), gặp được hai em nhỏ là Nguyễn Hữu Nghĩa và Hà Ngọc Anh. Cả hai em đều 14 tuổi, là học sinh của Trường THCS Trần Quang Khải, tranh thủ những ngày hè đi chẻ đá kiếm tiền mua sách vở, áo quần khi vào năm học mới. Dụng cụ của các em là một con ve và một cái búa, không mũ, không khẩu trang. Bụi đá bám đầy đầu, hắt hơi liên tục cũng mặc.

Ông Nguyễn Đình Phúc và bà Nguyễn Thị Được là hai trong số những người thoát nghèo trở thành khá giả nhờ đá chẻ ở vùng này. Hiện giờ họ có từ 2 - 3 máy cưa, cả chục người làm công được thuê từ Thanh Hóa, Nghệ An và cả những người dân địa phương. Gắng hết sức để đập đá, anh Nguyễn Văn Đức (quê Nghệ An) chẳng ngó ngàng gì đến hai công nhân khác đang ngồi đục đẽo phía trước lưỡi búa. Mỗi ngày làm khoán, hầu hết thợ cưa người địa phương còn để dành được kha khá (25 - 30 nghìn đồng) bởi họ ăn cơm nhà, ngủ nhà, chứ anh Đức vừa trang trải tiền ăn, tiền thuê nhà ở nữa thì chẳng dành dụm được bao nhiêu, “nhưng dù sao thì cũng có nghề, có thu nhập, chứ về nhà thì thất nghiệp, đói vẫn hoàn đói”.

Từ đầu thôn Phú Thượng đến cuối thôn Phú Hạ có đến hàng chục đoạn đường thành ao lầy, còn thì ổ gà nham nhở, nhưng đường lại rộng hơn, bởi vì bao nhiêu đá thải đều được đổ ra lề, lấn chiếm cả ruộng đồng. Có những thửa ruộng nằm ở vệ đường đã bị người dân đổ đá phế phẩm lấn gần một nửa. Theo ông Phạm Xem, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, hiện có hơn 70 hộ dân khu vực 3 thôn nói trên thành lập xưởng đá, hầu hết các hộ đều chưa có giấy phép kinh doanh.

Phần đá thô chủ yếu được các hộ dân khai thác từ mỏ đá Trường Bản, Hòa Khê, Hố Mùn rồi chở về nhà chẻ. Ông Xem cũng thừa nhận tác hại về môi trường do bụi đá, đường xuống cấp do xe vận chuyển nhiều, đất nông nghiệp bị lấn chiếm do người dân đổ đá bừa bãi, nhưng tình hình vẫn chưa được khắc phục.
 
Thậm chí có lúc, hồ thủy lợi Hố Cái còn bị khai thác đá trái phép. Huyện sẽ kết hợp với xã Hòa Sơn triển khai kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân, nếu vi phạm về các điều kiện kinh doanh không cho phép sẽ bị xử phạt hành chính. Nếu hộ nào không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không bảo đảm vệ sinh môi trường sẽ bị đình chỉ.

Mong sao chính quyền xã Hòa Sơn sẽ quản lý tốt nghề đá chẻ, vừa tạo điều kiện cho người dân làm giàu, hạn chế tác hại đến môi trường, giao thông và giữ nguồn đất nông nghiệp quý giá cho người nông dân ở đây.

Bài và ảnh: NGỌC HUYỀN

;
.
.
.
.
.