.
NGUỒN NHÂN LỰC CHO NGÀNH CÔNG NGHIỆP

Vừa thiếu, vừa yếu

.

Hiện nay, toàn thành phố có gần 80 nghìn lao động trong ngành công nghiệp, chiếm trên 20% số lao động thành phố. Trong đó 85% là lao động thường xuyên, còn lại là lao động theo thời vụ. So với năm 2000, tổng số lao động công nghiệp tăng gần 30 nghìn người, trong đó lao động thường xuyên tăng 26.556 người.
 

Một công việc đơn giản (lắp ráp) tại Công ty Daiwa  cũng phải đào tạo từ 1 đến 2 tháng.

Số lượng lao động có tốc độ tăng bình quân cao nhất là công nghiệp giấy-gỗ-in-công nghiệp tái chế (16,12%) và công nghiệp cơ khí-luyện kim-điện-điện tử (10,50%). Một số ngành thu hút nhiều lao động như sản xuất trang phục (tăng 6.684 lao động), cơ khí (tăng 3.497 lao động), chế biến thực phẩm-đồ uống (tăng 1.486 lao động), sản xuất đồ gỗ, đồ chơi trẻ em (tăng 7.064 lao động). Những lĩnh vực sản xuất có số lượng lao động giảm sút là công nghiệp giày-da (giảm 641 lao động), sản xuất máy móc-thiết bị điện (giảm 73 lao động), ngành in ấn-sao văn bản (giảm 614 lao động), công nghiệp hóa chất và sản xuất các sản phẩm từ hóa chất (giảm 22 lao động).

Số liệu trên cho thấy, nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian qua thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Theo số liệu tổng hợp từ các phiên Chợ việc làm, trong khi số lao động có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp được giới thiệu cao hơn so với nhu cầu tuyển (đại học, cao đẳng đạt 127,5%; trung cấp đạt 125,1% so với nhu cầu tuyển dụng) thì số công nhân kỹ thuật và lao động chưa qua đào tạo được giới thiệu lại thấp hơn nhu cầu tuyển dụng (công nhân kỹ thuật chỉ đạt 49,9% và lao động chưa qua đào tạo 20,3% so với nhu cầu tuyển).

Đối với lao động có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp, mặc dù số lượng được giới thiệu nhiều hơn nhu cầu tuyển dụng (125-128% nhu cầu tuyển) nhưng số đạt yêu cầu qua sơ tuyển, phỏng vấn chỉ đạt 59-61% so với nhu cầu tuyển dụng, đạt 46-48% so với số lao động được giới thiệu. Đối với công nhân kỹ thuật, tình hình cũng tương tự khi số lao động đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng chỉ đạt 48% so với số lao động được giới thiệu. Rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hầu như rất khó tuyển đủ lao động.

Ngoài nguyên nhân là do mức lương của các doanh nghiệp này chưa thu hút được lao động, thấp hơn so với doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, còn có một nguyên nhân quan trọng khác là do hầu hết lao động có nhu cầu làm việc chưa qua đào tạo, không đáp ứng được nhu cầu của công việc. Có doanh nghiệp dù đã tuyển dụng được lao động, nhưng đa số lại không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, họ phải đào tạo lại từ 1,5 đến 3 tháng mới tiếp cận được công nghệ của doanh nghiệp. Đặc biệt là các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc… như Công ty Mabuchi Motor Việt Nam hơn một năm nay liên tục có thông báo tuyển công nhân và nhiều khả năng sẽ không tuyển đủ công nhân trong thời gian dài, do không đủ nguồn nhân lực, cũng như công tác đào tạo cho ngành này thiếu trầm trọng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn công nhân kỹ thuật cho ngành công nghiệp, trong đó một số nguyên nhân chủ yếu là thành phố chưa có kế hoạch cụ thể, khả thi về đào tạo lao động có tay nghề phù hợp với định hướng phát triển trong từng thời kỳ, chưa có cơ quan chịu trách nhiệm chính về công tác thu thập thông tin và dự báo nhu cầu lao động, làm đầu mối, thực hiện vai trò điều phối, tạo sự liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ sở đào tạo với nhau.
 
Sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, chưa được chú trọng đúng mức. Chất lượng đào tạo còn hạn chế do nội dung chương trình, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên… chưa đáp ứng được yêu cầu. Rất nhiều các cơ sở chỉ đào tạo nghề khi thị trường có nhu cầu, không có chuẩn bị, dự báo về nhu cầu lao động của các ngành, nên không có kế hoạch và định hướng đào tạo. Đặc biệt là các ngành đòi hỏi có tay nghề cao, thời gian đào tạo lâu dài như ngành công nghệ thông tin, hóa chất, cơ khí… Đây là một trong những hạn chế về thu hút đầu tư nước ngoài đối với các ngành mà lao động đòi hỏi có hàm lượng chất xám cao.

Đối với công tác đào tạo lao động cho các doanh nghiệp công nghiệp, một số ngành nghề đòi hỏi thời gian đào tạo tương đối dài, vì vậy cần chú trọng hình thức “đào tạo theo dự án”, đào tạo “đón đầu các dự án”, đào tạo theo đơn đặt hàng, hợp đồng. Muốn vậy, cơ quan chịu trách nhiệm chính về công tác đào tạo nghề phải phối hợp chặt chẽ với BQL các Khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngành chuyên môn để chủ động nắm bắt thông tin đón đầu các dự án, tạo cầu nối giữa cơ sở đào tạo và nhà đầu tư.
 
Khuyến khích các đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế góp vốn, thiết bị, kỹ thuật - công nghệ, nhân lực theo hình thức liên kết, hợp tác đầu tư với các cơ sở dạy nghề của Nhà nước nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.