.

Sữa đâu chỉ là sữa!

.

Dư chấn vụ sữa nhiễm độc của các hãng sữa Trung Quốc giờ đây đã lan tỏa khắp các thành phố Việt Nam; và Bộ Y tế đã phải cùng các cơ quan chức năng vào cuộc thanh kiểm tra mọi nghi vấn lưu hành “sữa có vấn đề”. Thông tin đến nay cho biết ngành quản lý đã phát hiện một số nhãn sữa có độc tố gây sỏi thận tại thành phố Hồ Chí Minh. Kiểm tra ở thị trường Đà Nẵng chưa phát hiện ra các loại sữa này, một tín hiệu có lẽ đáng mừng.

Song, theo phản ảnh của một số cơ sở kinh doanh thực phẩm, tạp hóa tại Đà Nẵng, thì “thấy vậy mà không phải vậy”, việc kiểm tra thị trường sữa Đà Nẵng không phát hiện ra các loại nhãn hiệu sữa có vấn đề vẫn chưa đủ thuyết phục để người tiêu dùng an tâm. Lý do theo họ vì “sữa đâu chỉ là sữa”. Chủ 1 cửa hiệu tạp hóa lớn ở đường Hùng Vương dè dặt nói: “Tôi thấy việc kiểm tra bên y tế chỉ chăm chăm vào mấy nhãn sữa là chưa chắc ăn. Thị trường hiện nay có bao nhiêu thứ liên quan đến sữa, có nguyên liệu sữa, nguồn gốc dính đến sữa, liệu trong đó có pha lẫn những thứ sữa độc hại hay không, ai dám bảo đảm ? Nếu đã kiểm tra thì cần phải có 1 sự xem xét tổng quát, ngay từ các nhà sản xuất lớn về những sản phẩm có sữa chứ không chỉ nhằm vào người mua đi bán lại mà đủ”.

Bên cạnh mối lo về chất lượng sữa, người ta phải tính đến cả nguy cơ từ những sản phẩm có liên quan đến sữa.

Suy nghĩ của những người bán hàng này rõ ràng có lý, khi chỉ cần kê ra những thứ thực phẩm mọi người đang dùng hàng ngày liên quan đến sữa, đã là 1 danh sách dài. Nào là sữa chua, bánh kem. Nào bánh quy sữa, bánh xốp kem, kẹo sữa… Có bao nhiêu loại sản phẩm trong số này sử dụng các loại sữa có nhãn hiệu, chất lượng đã qua kiểm tra, được quản lý với quy trình bảo đảm nghiêm túc? Vậy chỉ nên gói gọn việc kiểm tra chất lượng sữa với các nhãn hiệu sữa, các loại sữa đóng gói thuần túy hay cần mở rộng với những nhóm sản phẩm khác có liên quan đến nguồn gốc sữa? Câu hỏi này vẫn chưa thấy ai trả lời và theo đó kiểm tra của các cơ quan chức năng mới chỉ có tính tương đối, chủ yếu nhằm nhắc nhở răn đe hơn là truy triệt tận gốc vấn đề.

Hơn nữa, bản thân các cơ quan giám định thực phẩm, y tế cũng thừa nhận hiện chưa có đủ điều kiện máy móc kỹ thuật để kiểm tra chất lượng, thành tố các loại sữa cũng như những loại thực phẩm đa dạng khác liên quan đến sữa. Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Trưởng Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng chia sẻ, kiểm soát chất lượng hàng hóa trên thị trường hiện nay đang là điểm yếu của cơ quan chức năng, trong đó sữa chỉ là 1 mặt hàng. Đòi hỏi khả năng "thử nóng" các sản phẩm đều đang rất thiếu các thiết bị chuyên sâu về kiểm định chất lượng, phát hiện độc tố. Ngay các cơ quan có khả năng giám định cũng chỉ có 1 số máy móc đo đạc những thông số thành phần, phân tích chất phổ biến, mà thực tế đã cho thấy chính vì các chỉ số đó, nhà sản xuất kém trách nhiệm ở Trung Quốc đã có cách “lách" qua mặt cơ quan chức năng, gây nên sự cố sữa nhiễm độc nguy hại.

Ông Hậu dẫn chứng thêm, tương tự với sữa, thời gian qua Đà Nẵng cũng tập trung kiểm tra xăng dầu, song chỉ giám sát được các biểu hiện bên ngoài. Thực chất các loại xăng dầu trên thị trường hiện nay đạt tiêu chuẩn gì, các cửa hàng có trộn xăng chỉ số thấp vào xăng chỉ số cao để trục lợi hay không, thì việc kiểm tra rất khó. Đà Nẵng hiện nay chưa có 1 máy đo chỉ số ốc-tan nào, thì làm sao có thể đo nóng, kiểm tra nóng những dấu hiệu kinh doanh vi phạm? Muốn phát hiện cửa hàng xăng nào đó gian lận bán xăng A90 với giá A92 hay không, cơ quan chức năng chỉ có cách lập biên bản, gửi mẫu cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường khu vực 2 giám định. Mà muốn lập biên bản, cơ quan chức năng phải có bằng chứng vi phạm của DN. Vòng lúng túng luẩn quẩn này đã diễn ra lâu nay nhưng chưa có cách gì gỡ ra được.

Theo các DN, với 1 thực tiễn hàng hóa đa dạng phức tạp trên thị trường, trong khi năng lực cơ quan chức năng còn hạn chế như vậy, giải pháp khả thi nhất là kêu gọi tinh thần tự giác và trách nhiệm hợp tác của DN kinh doanh sản xuất. Sự kiểm tra, kiểm soát chỉ có tính thời điểm nhất định và không nên xem là biện pháp tối ưu trong mục tiêu ngăn chặn các nguy cơ. Thay vào đó, các Bộ, ngành, địa phương nên vận dụng những phương pháp thông tin liên tục, khơi gợi ý thức trách nhiệm của người tham gia kinh doanh. Bên cạnh các giải pháp chế tài thật mạnh, phạt nghiêm minh, các cơ quan quản lý nên đề cao thái độ trách nhiệm cộng đồng ở các DN bằng những hình thức nêu gương cụ thể, cổ vũ khích lệ thái độ tự giác chấp hành pháp luật, vì quyền lợi người tiêu dùng. Chị Tâm, chủ tạp hóa Nina (Ngô Gia Tự) nhận xét: "Quan trọng là người ta nhận thức thế nào trong đầu, có chấp nhận không vì lợi nhuận mà làm bậy hay không. Phải thông tin cả những trường hợp kinh doanh đường hoàng, để cổ vũ người ta làm đúng, chứ không chỉ có bắt phạt rồi đăng báo".

Khi mỗi nhà sản xuất và người tiêu dùng biết tự giác hơn khi chọn sản phẩm bán mua trên thị trường, nguy cơ lẫn lộn những mầm mống tai họa trong hàng hóa sẽ giảm đi. Có vậy, không chỉ các cơ quan chức năng bớt mệt mỏi “chạy theo” các sự kiện để kiểm tra bắt phạt, mà người tiêu dùng cũng thấy an tâm hơn khi mua sắm hàng hóa tiêu dùng, không phân biệt chỉ với các mẫu sữa đơn thuần hay thêm cả bánh kem, bánh xốp…

Uyên Nghi.

;
.
.
.
.
.