.

Những chuyến biển cuối năm

.

Năm nào cũng vậy, tháng chạp là thời điểm ngư dân tích cực bám biển để tăng thu nhập nhờ hải sản tiêu thụ trong dịp Tết khá mạnh. Tháng chạp năm nay, hàng trăm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng đã ra khơi. Giá nhiên liệu giảm mức thấp nhất kể từ nhiều tháng nay, không còn giông bão là cơ hội cho ngư dân có chuyến biển cuối năm thắng lợi.                                         

Ngư dân chuẩn bị ra khơi. Ảnh: N.CẦU

9 giờ sáng ngày 5-1 (mồng 10 tháng chạp), cặp tàu ĐNa 90271 - 90010 của ông Nguyễn Đức Thạch, ở tổ 22 phường Thanh Khê Đông (Thanh Khê) rời bến trong niềm vui của 13 ngư dân và người thân họ. Trước khi rời bến, ông Thạch cho biết: Thời tiết tương đối tốt, giá dầu hạ, ngư dân phấn khởi, tin rằng chuyến này sẽ thắng lợi.
 
Lo nhất là sát Tết, tàu đồng loạt cập bến, hải sản đưa về nhiều, không tránh khỏi bị ép cấp, ép giá. Tết năm ngoái, tàu nào cũng đưa về nhiều hải sản chất lượng cao, nhưng giá quá rẻ nên thu nhập thấp. Không ít tàu phải ra Tết mới bán hết. Dịp Tết, các nhà máy chế biến hải sản không thu mua. Tàu không có thiết bị bảo quản, để lâu chất lượng giảm, không ít tàu chấp nhận bán rẻ. Khắc phục được tình trạng này, may ra Tết năm nay ngư dân mới có thu nhập đúng với những gì họ làm ra.

Mấy ngày nay, ngư dân trên cặp tàu ĐNa 90071 - 90150 của ông Hồ Ngọc Phước ở phường Xuân Hà (Thanh Khê) tích cực thu xếp lưới, dây neo và chuẩn bị nhiên liệu, đá lạnh, lương thực thực phẩm để kịp ra khơi vào sáng 12 tháng chạp. Thuyền trưởng Phước bộc bạch: Tính chung năm nay đánh bắt hải sản không mấy thuận lợi, giá dầu tăng cao nên nhiều chuyến bị lỗ.

Chuyến đi trong tháng 11 vừa qua, khi dầu 14 nghìn đồng/lít, 15 ngày lênh đênh trên biển, khi về trừ chi phí còn thâm vào vốn. Hy vọng chuyến này bù lại, có tiền tiêu Tết. Ông cho rằng, Tết là thời điểm làm ăn của các đầu nậu, họ tự tung tự tác trong việc định giá hải sản. Ngư dân là người vất vả đưa hải sản chất lượng cao về đất liền mà chẳng có quyền định giá sản phẩm của mình. Không bán theo giá họ đưa ra, có khi còn lỗ nặng do để lâu bị hư hỏng.

Những ngày cuối năm con chuột, không chỉ tàu công suất lớn tích cực vươn khơi xa mà hàng trăm tàu công suất nhỏ của ngư dân Sơn Trà cũng nỗ lực bám biển. Sáng nào, bãi ngang của phường Thọ Quang cũng đông nghịt người. 3-4 giờ sáng, tàu về, việc chuyển cá lên bờ diễn ra rất khẩn trương. Những thúng cá hố, cá ngân tươi rói được chở đi mọi ngả. Mùa này, ngư dân các phường Mân Thái, Thọ Quang thu nhập khá ổn định, chuyến biển hơn 1 ngày đêm, 4-5 người/tàu, đưa về số hải sản trị giá 2-3 triệu đồng. Thời điểm này, ngư dân đang chuẩn bị đón mùa ruốc thường diễn ra vào dịp Tết.

Năm 2008, đánh bắt hải sản gặp không ít khó khăn, giá nhiên liệu tăng cao làm cho nhiều tàu nằm bờ dài ngày. Sản lượng đánh bắt của ngư dân thành phố chỉ đạt 39.580 tấn, bằng 96% kế hoạch. Gần Tết Kỷ Sửu đồng thời cũng là giai đoạn khởi đầu kế hoạch năm 2009, tàu thuyền ra khơi nhiều là tín hiệu phấn khởi cho hoạt động đánh bắt hải sản của Đà Nẵng, song sẽ gặp khó khăn nếu như ngành thủy sản không giải quyết rốt ráo những bất cập về nơi neo đậu tàu thuyền để bán hải sản và ngăn chặn được tình trạng ép cấp, ép giá của tư thương, ổn định giá cả theo thị trường.

HOÀI NAM
           

;
.
.
.
.
.