Thấm từ trên xuống là chuyện ai cũng biết, nhưng lại còn có cả thấm ngược từ dưới nền nhà lên do tính toán chống thấm chân tường không tốt. Rồi thấm vách tầng hầm, thấm ngang bên hông do giữa hai nhà có khe hở, thấm do lỗ giàn giáo xây xong rút đi... Và chống thấm là vấn đề khá nan giải trong ngành xây dựng. Nhưng Đà Nẵng có một người tự nhận là “ngoại đạo” của ngành kỹ thuật này đã cùng các cộng sự của mình xử lý chống thấm thành công nhiều công trình có tiếng là rất khó.
Thấm do không… chống
Thi công chống thấm. |
Theo ông Phạm Quyết Thắng, Giám đốc Công ty Thương mại & Xây dựng Quốc Thắng thì cái khó của chống thấm là khi công trình đã hoàn thiện xong mà bị thấm thì việc xác định nguyên nhân không phải lúc nào cũng dễ dàng. Và dù đã tìm ra nguyên nhân rồi thì việc xử lý chúng cũng không đơn giản chút nào, bởi thường phải đục đẽo trong quá trình giải quyết sự cố, điều đó gây nên nhiều phiền phức: ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, môi trường và cả kết cấu công trình.
Chưa hết, việc đục bỏ lớp bề mặt trước khi tái chống thấm rồi sau đó lại phải “làm đẹp” những vùng bị thấm ố là một sự lãng phí không đáng có! Và các sản phẩm vật liệu chống thấm cũng như công trình chống thấm chỉ có tác dụng và được bảo hành trong một thời gian 5-10 năm. Nên dù làm công việc giải quyết sự cố, ông Thắng cũng cho đó là những biện pháp tình thế. Vì nếu là hợp chất hữu cơ, hiện tượng lão hóa sau một thời gian sử dụng cũng là một vấn đề cần lưu ý trong điều kiện Việt Nam có độ ẩm không khí cao, mức nước ngầm cao, nhiệt độ luôn thay đổi…
Công việc của những người làm nghề chống thấm đôi khi cũng rất oái ăm: thấm chỗ này nhưng phải chống chỗ kia, hoặc thấm chỉ một chỗ mà phải chống toàn bộ. Công ty của ông Quyết Thắng chuyên về vật liệu chống thấm và sửa chữa công trình đã đưa ra lời khuyên với các gia chủ, một điều quan trọng khi xây dựng, là chống thấm phải tính từ lúc thiết kế, từ lúc làm phần thô chứ không phải chờ đến lúc bị thấm mới lo đi chống.
Vì vấn đề này có thể giải quyết dễ dàng bằng nhiều chất liệu cũng như vật liệu xây dựng được sản xuất trong nước hoặc nước ngoài, có thể quét, dán, phủ lên mặt lớp trát hoặc bê-tông cấu kiện bao che là có thể chống thấm, chống dột cho tường bao, mái che… Như dùng biện pháp phun dung dịch có nền gốc silicat có khả năng lấp lỗ rỗng, rỗ trong vật liệu thấm sâu vào kết cấu. Dùng vật liệu chống được nóng lạnh, ẩm thấp, rêu mốc vừa bảo vệ được công trình dưới tác động của khí hậu nhiệt đới ẩm, chống thoái hóa, ăn mòn và xâm thực của môi trường.
Thành công nhờ… một cái bơm
Thi công tầng mái. |
Đặc biệt, các kỹ sư, công nhân của Công ty Quốc Thắng tìm hướng giải quyết và xử lý tốt những kết cấu bê-tông các công trình ngầm, công trình cầu đường bộ và chống thấm ngược các cấu trúc chứa nước. Với các công trình ngầm, tầng hầm, nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá cao kết quả xử lý mà đội ngũ kỹ sư ở đây đã làm thành công. Bởi xử lý chống thấm tầng hầm vẫn là một vấn đề khó mà nhiều đơn vị thi công cũng như sửa chữa không thể hoàn thiện tuyệt đối.
5 năm xuất hiện trên thị trường xây dựng với kỹ thuật chống thấm mà đường đi khá gập ghềnh và có thể nói là thành công như hôm nay, ông Phạm Quyết Thắng khẳng định là ông “lớn lên rất nhiều và có cách nhìn nhận cấu trúc xây dựng một cách đúng đắn - tức vấn đề nằm ngay trong thiết kế”. Vì chuyện đi xử lý chống thấm của ông hôm nay đã có thể thay đổi từ hôm trước, khi người thợ áp dụng kỹ thuật chống thấm vào quá trình xây dựng. 5 năm ra đời với số vốn ban đầu chỉ có 70 triệu đồng, lại dồn hết để nhập sản phẩm vật liệu chống thấm Polydek, nhưng gần 2 năm không bán được vì… không ai muốn dùng, chưa ai tin sản phẩm và đặc tính của nó.
Đến sau khi nhà máy điện tử Việt Hoa cần dùng thử Polydek để dán mái tôn, cơ hội mới đến với ông Thắng và 3 kỹ sư đồng sự. Họ nhận xử lý dự án nhà máy nước Cầu Đỏ, nhưng sau nhiều tháng vẫn không thể hoàn thành do quy trình kỹ thuật không đúng. Bất ngờ đã đến với ông Thắng khi ông nghĩ đến chiếc bơm xe đạp (loại bơm tay). Hôm sau ông thử bơm vật liệu vào các điểm rò rỉ của bể chứa, và 24 giờ sau ông thấy mình đã thành công.
Chiếc bơm thế hệ 1 ấy được ông chế lại cho phù hợp và nó khẳng định sự hoàn thiện về công nghệ, kỹ thuật, vật liệu với một công ty chuyên về một lĩnh vực mà trước đây thị phần chỉ dành cho các công ty ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đến nay ông đã chế tạo thêm chiếc bơm thế hệ 2 với áp lực cao, bơm trực tiếp không cần đẩy qua khâu trung gian. Và có thể khẳng định một điều là phương án chống thấm mặt cầu thép và công nghệ phun thẩm thấu vốn độc quyền với các công ty chống thấm ở TP. Hồ Chí Minh, nay Công ty Quốc Thắng đã thực hiện thành công.
Sợ nhất là “hết mong điều mới lạ”
Thi công bể lọc. |
Đến khi anh ra riêng, tự mình kinh doanh thì vốn liếng hầu như cũng vay mượn từ gia đình, bạn bè. Khi thành công, ông Thắng đúc kết lại rằng, do mình có khát vọng, có cơ hội mới không nản chí để tiếp tục con đường đã chọn. Quy tắc của những kỹ sư, công nhân ở đây là: công nghệ + cải tiến + sự sáng tạo để sáng tạo không ngừng, tạo ra khát vọng, mục tiêu để đeo đuổi. Và ông sợ nhất là khi mình “hết mong điều mới lạ”. Nên đến nay ông chủ trẻ này vẫn xách cặp đi khắp nơi để học hỏi, vì dù đi sau người khác nhưng lợi thế là có thể học được nhiều cái mới để khẳng định mình trong tương lai.
Trên 50 công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông đã được Công ty Quốc Thắng xử lý thành công với hàng triệu m2 mặt sàn, và mới đây được mời tham gia cùng thi công tại công trình khách sạn Đảo Xanh đã có thể khẳng định một bước đi khá vững trong lĩnh vực chống thấm của một doanh nghiệp trẻ. Với đội ngũ 24 kỹ sư và hàng trăm công nhân, Quốc Thắng đang từng bước chinh phục nhiều thị trường lớn của cả nước…
Hoàng Nhung