“Không ký được hợp đồng xuất khẩu thì nhà máy đóng cửa, công nhân nghỉ việc. Ký được hợp đồng rồi thì lại lo không biết có đủ nguyên liệu để chế biến hay không?”. Đây là nỗi lo của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản tại Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, trước thực trạng nhiều nhà máy chế biến chỉ hoạt động từ 50% - 60% công suất.
Ảnh: NGUYỄN CẦU |
Trong tổng số 20 DN thủy sản tại Đà Nẵng, hiện có 15 DN có nhà máy chế biến và 5 DN làm đầu mối thu mua. Ảnh hưởng của thời tiết và biến động của thị trường, đã có lúc nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng vì thiếu nguyên liệu. Thời điểm như tháng 2, tháng 4-2008, các tàu thuyền của ngư dân miền Trung nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao, khiến hải sản khan hiếm đến mức người dân cũng khó mua được những mặt hàng có ưu thế.
Nhiều đơn vị xuất khẩu chấp nhận vi phạm hợp đồng vì không có hàng giao theo cam kết. Tuy nhiên để giải quyết khâu nguyên liệu, giải pháp mà nhiều DN chọn là thu mua từ khắp các nơi, các sản phẩm không bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ. Việc thu mua đủ lượng cho chế biến đã đem lại không ít rủi ro đối với DN. DN vừa phải mua nguyên liệu với giá cao hơn 10% so với giá thành phẩm xuất khẩu đã đành, lại vừa không khỏi lo lắng các hợp đồng bị cắt vì chất lượng cá, tôm.
Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc Công ty Thủy sản-Thương mại Thuận Phước đặt ra vấn đề: “Tại sao chúng ta lại không nhập nguyên liệu? Các doanh nghiệp trong nước, ngoại trừ những DN lớn có mối quan hệ hai chiều, những DN nhỏ chỉ nghĩ đến bán mà không nghĩ đến mua. Theo quan điểm của tôi, là nên cho nhập và nên nhập. Đây là cách để nông dân, ngư dân trong nước tạo ra sự cạnh tranh (cạnh tranh tích cực). Lâu nay, chúng ta cứ sợ nhập cá từ nước ngoài sẽ khiến cho đánh bắt cá trong nước không có ai mua”. “Nhập khẩu nguyên liệu cũng chính là giúp kích thích sản xuất và bảo vệ tiêu dùng”, ông Lĩnh nói.
Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của thành phố đạt 105,5 triệu USD, mặc dù tăng trên 18% giá trị kim ngạch xuất khẩu, nhưng về sản lượng chỉ bằng 90% so với năm 2007. Để đủ nguyên liệu cho chế biến, các DN phải nhập từ 10-15% lượng nguyên liệu sản phẩm. Theo kế hoạch của thành phố, con số này trong năm 2009 tăng lên 20-25%.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phước Tiến tỏ ra khá băn khoăn với vùng nguyên liệu trong nước. Ông cho rằng, quy hoạch phát triển thủy sản đã có nhưng chưa theo kịp chế biến, có lúc tăng về sản lượng nhưng giảm về chất lượng. Ở một số nước, người ta đã có những tàu thu mua trên biển, còn các DN của chúng ta thì cứ loay hoay chờ đợi nguồn nguyên liệu không ổn định trong nước.
Các hợp đồng nước ngoài yêu cầu các DN xuất hàng đều trong năm, nhưng nhiều DN đã phải đền hợp đồng vì thiếu nguyên liệu. |
Khi chính sách tiền tệ được nới lỏng, các DN thủy sản lại phải đương đầu với nỗi lo khác về tìm kiếm thị trường và nguồn nguyên liệu đầu vào cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, chính sách thuế nhập khẩu nguyên liệu khiến không ít các DN không còn cách nào khác phải tự xoay xở để cứu mình. “Trong số 8 kiến nghị của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASSEP) thì thuế nhập khẩu nguyên liệu cũng là một trong những bức xúc của nhiều DN.
Với yêu cầu mục tiêu xuất khẩu không quá lớn, vì Chính phủ đã có những biện pháp cấp bách cụ thể để hỗ trợ DN, tôi nghĩ rằng những khó khăn của DN sẽ được tháo gỡ dần dần từ cái nhỏ cho đến cái lớn”, ông Nguyễn Đăng Chi, Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã chia sẻ với các DN với hy vọng các DN thủy sản sẽ vượt qua được cơn khủng hoảng toàn cầu trong năm nay.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH