Các xã trung du, miền núi Hòa Vang có nhiều vùng rau chuyên canh nằm rải rác, manh mún và hoàn toàn bị thả nổi về khâu tiêu thụ sản phẩm; bốn con vật chủ yếu là bò, cá, gà, heo, tuy mỗi năm tổng đàn có tăng, nhưng hiệu quả chưa cao, thường xuyên bị tư thương ép giá. Nhiều khó khăn bức xúc của người nông dân chưa được các ngành chức năng quan tâm.
Bán rẻ, mua đắt,mua nhầm đồ dỏm
Nhiều nông dân ở Hòa Nhơn trồng rau trái vụ đạt hiệu quả cao, nhưng khi thiếu nước tưới thì cũng đành “bó tay”. |
Lúc không có sản phẩm bán thì giá cao, mà làm được sản phẩm dồi dào thì giá lại hạ xuống quá thấp. Ông Tám Tranh ở thôn Bồ Bản 2 cho biết, gần đây nông dân trồng được nhiều rau xà lách, ai cũng mừng, nào ngờ đến khi thu hoạch, thì giá rớt thê thảm, chỉ có 1.000 đồng/kg. Còn như hiện nay, giá mỗi kg xà lách gần 10.000 đồng, nhưng không có để bán, bởi vì dịp Tết Kỷ Sửu, mưa lạnh kéo dài, không trồng được rau.
Giá nông sản lên xuống thất thường, nhưng giá phân bón và thuốc trừ sâu cứ tăng mãi, chẳng mấy khi thấy hạ. Nhưng bức xúc hơn là tình trạng phân giả và thuốc trừ sâu giả. Ông Lê Chiến ở thôn Cẩm Toại Tây, Hòa Phong cho biết, trên thị trường phân giả và thuốc trừ sâu giả bán tràn lan làm chúng tôi không biết đâu mà lường, lắm lúc mua thuốc về xịt, tốn công, tốn tiền mà chẳng có công dụng gì. Do vậy, nguyện vọng của bà con nông dân ở đây là Nhà nước cần có một tổ chức bao tiêu sản phẩm, các cơ quan chức năng phải kiểm tra, xử lý thật nghiêm những ai bán thuốc trừ sâu và phân bón dỏm!
Thiếu cá giống và bị “đứt” nước
Nhờ có hồ Đồng Nghệ, Hòa Khương trở thành xã dẫn đầu toàn huyện Hòa Vang về phong trào nuôi cá nước ngọt, với tổng diện tích mặt nước trên 80 hecta. Khó khăn của người dân là nguồn cá giống quá thiếu, năm nào cũng phải đi mua ở nhiều nơi, chủ yếu là các tỉnh phía Nam. Giống cá phải đi mua xa và thường phải vận chuyển về bằng đường hàng không nên giá thành cao. Hơn nữa, điều kiện khí hậu và môi trường nước khác nhau, nên cá con khó thích nghi, tỷ lệ hao hụt nhiều. Mong ước của bà con nông dân là ngành nông nghiệp nên hình thành các cơ sở bán cá giống ngay trên địa bàn thành phố.
Điều trớ trêu là sau khi thành phố có chủ trương miễn thủy lợi phí cho người nông dân từ năm 2008 thì không hiểu vì sao nguồn nước tưới từ hồ Đồng Nghệ không còn được cung cấp liên tục cho đồng ruộng như trước đây nữa, mà thường bị “đứt” 2 tháng sau khi thu hoạch vụ đông xuân (khoảng tháng 3 và tháng 4 âm lịch). Trong thời gian đó, các hồ nuôi cá của nông dân do không có nguồn nước lưu chuyển dẫn đến môi trường nước bị ô nhiễm, làm cho cá bị bệnh và chết nhiều. Vì thế, nhân dân địa phương kiến nghị, vào hai tháng nêu trên, đơn vị quản lý hồ Đồng Nghệ cho nước chảy xuống các kênh mương ít nhất mỗi tuần một ngày để họ thay nước trong các hồ nuôi cá.
Ở Hòa Khương hiện có mô hình nuôi gà thả vườn đạt năng suất khá cao, nhưng bà con đang bí vì bệnh mụn cóc ở gà. Mụn cóc thường mọc lên ở đầu, mắt, lỗ tai, làm cho gà gầy sút nhanh và không tự đi được rồi chết. Ông Đặng Tứ - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Gà nuôi thường mắc nhiều bệnh, nông dân phải tự học hỏi nhau cách phòng trừ cho hiệu quả, riêng bệnh mụn cóc thì chưa biết cách gì để điều trị. Rất mong cơ quan chức năng giúp nông dân phòng trừ căn bệnh này.
Nông dân xã Hòa Nhơn bao năm qua sử dụng nguồn nước tưới từ Trạm bơm Túy Loan. Trước đây, đội ngũ nhân viên của trạm bơm này tích cực nạo vét kênh mương và xử lý các sự cố máy móc, nhưng từ khi miễn thu phí thủy lợi thì trách nhiệm của họ đã giảm đi nhiều, dẫn đến việc thiếu nước canh tác. Ông Nguyễn Bá Hường - Chủ tịch Hội Nông dân xã bức xúc nói:
Người nông dân hết sức phấn khởi về chủ trương miễn thủy lợi phí, nhưng rất tiếc là từ đó đến nay việc cung cấp nước tưới không còn chu đáo như trước, kênh mương thủng lậu, sạt lở không được xử lý kịp thời và lắm lúc đồng ruộng bị khô kiệt. Cụ thể, có 5/9 thôn trong xã là Phước Hậu, Phước Thuận, Phước Thái, Hòa Khương Đông và Hòa Khương Tây thường xuyên thiếu nước tưới trong vụ hè thu. Do thiếu nước, nhiều hộ làm không đúng thời vụ, nên năng suất và sản lượng cây trồng bị giảm rất nhiều.
Những quy định không phù hợp với các xã miền núi
Ở các xã miền núi như Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh và Hòa Liên, nông dân phấn khởi nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật mà có những mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao như trồng măng tre Điền Trúc, dưa hấu Hắc mỹ nhân, nuôi dê, nuôi bò đàn..., nhưng cũng không ít chương trình tập huấn còn xa thực tế.
Qua đó, nhiều người đề đạt: Việc quy định số học viên trong một lớp dạy nghề từ 25 - 30 người là nhiều quá, vì đất rộng dân thưa, tìm cho được chừng ấy người có cùng nguyện vọng học nghề mới trong một xã là rất khó, mà ghép 2 xã để mở một lớp thì cũng khó thực hiện trọn vẹn, bởi đường đi quá xa. Do đó, một lớp học khoảng 15 - 20 người ở cùng xã hoặc các thôn kề nhau là phù hợp và dễ thực hiện. Hơn nữa, lớp ít người, nông dân tiện trao đổi, bàn bạc, còn khi lớp đông thì họ “run lắm, không nói được”.
Bài và ảnh: LÊ VĂN