Hơn 200 ha lúa vụ đông xuân của nông dân đã gieo lại lần 2, rồi sau đó bà con phải chấp nhận cấy lại bằng giống lúa muộn; nhiều giống rau màu thiếu hụt khiến nông dân trên những cánh đồng rau sốt ruột, bởi vụ mùa đang đuổi theo sau lưng... Nhìn lại tháng Giêng để thấy, người nông dân đang đau đáu từng ngày với đám rau, mảnh ruộng, mong mỏi một vụ mùa ăm ắp, không dám lơ là từng ngày, dù đó là ngày Tết.
Mơ về một vùng rau chuyên canh
Với người trồng rau màu, tháng Giêng chỉ được nghỉ vẻn vẹn trong ngày mồng 1 Tết. |
Chị Trần Thị Hạnh, ở tổ 31 của phường này bày tỏ: Hiện nay rau muống giống rất hiếm do mùa mưa kéo dài, rau ngâm lâu trong nước nên hỏng hết, một bó rau giá đã là 10.000 đồng. Muốn cấy một m2 mất khoảng 100.000 đồng, vị chi, chi phí tiền giống rau cho 2 sào rau hàng chục triệu đồng, nông dân cũng khó mà kham nổi. Nhưng nếu chờ khoảng hơn tháng nữa, khi rau giống có nhiều, đến kỳ thu hoạch số lãi cũng bị giảm. Chú Điền nhẩm tính: một sào rau thu khoảng 500 bó, giá 6.000 đồng/bó, trước đây lãi 70%/vụ, nay giá phân bón tăng nên số lãi chỉ còn phân nửa.
Sắp sang tháng 2 cũng là lúc những thứ rau cải, xà lách, ngò, tần ô, súp lơ... lụi tàn, cây không đủ sức để sống dưới cái nắng hầm hập của mùa khô. Lúc đó rau xanh sẽ thiếu, dù bây giờ chị Hạnh đã bỏ hơn 70kg rau cải không thu hoạch do những mối bỏ rau của chị ở chợ chê rau không còn màu xanh tươi non. Chị nhổ một ít mang về muối dưa mà ngậm ngùi trước công sức bỏ ra. Với người trồng rau, tháng 10, khi mùa lũ đi qua là lúc ra đồng xuống giống, tháng Chạp thu hoạch (với các loại cải, ớt, cà, bí).
Rau hái xong là rải vôi, phun thuốc để xử lý sâu rầy trên đất, rồi gieo hạt tiếp để thu hái khi ra Giêng. Chiều 30 Tết còn gắng tưới đẫm mấy sào rau để ngày đầu năm mới được nghỉ ngơi. Nhưng chiều tối ngày mồng 1 đã ra đồng, hái vài chục ký rau chuẩn bị cho phiên chợ đầu năm ngày mồng 2 Tết. Khái niệm nghỉ ngơi 3 ngày Tết không còn, khi vụ mùa, nhu cầu của người tiêu dùng, và giá cả thị trường những ngày lễ, Tết quyết định mức sống của họ.
Hết vụ rau màu, đến vụ rau muống, câu ca “tháng Giêng là tháng ăn chơi” giờ đã không đúng với người nông dân nữa. Với người miền Trung, mùa nghỉ ngơi là mùa nước lũ tràn về. Lúc đó đồng ruộng trắng xóa một màu nước, đó cũng có thể là mùa thu nhập ít nhất. Mới đây, phường Hòa Thọ Đông đã triệu tập bà con nông dân, thông báo sẽ cải tạo lại đồng rau La Hường, bằng cách san lại đất, quy hoạch để trồng chuyên canh... Ý tưởng này nhận được sự đồng thuận của bà con, bởi trồng chuyên canh, có lịch thời vụ cho rau màu, đầu tư nguồn giống thì người trồng rau mới mong có được thu nhập ổn định. Đầu ra cho cây rau cũng ít bị gò ép...
Không để cho đồng trống
Chưa bao giờ người trồng lúa lại đổ mồ hôi nhiều cho từng cây mạ, từng thửa ruộng như vụ đông xuân năm nay. Khi hầu hết lúa đã 2 tháng tuổi, không lâu nữa sẽ đẻ nhánh thì những người phụ nữ vẫn còng lưng cấy từng đám ruộng đã được gieo lại lần thứ 2, 3 nhưng không thành. Ông Lê Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang cho biết, mùa mưa năm nay không có trận lụt nào, nhưng mưa nhiều và kéo dài đã khiến những cánh đồng khát phù sa đang đứng trước nhiều nguy cơ như sâu bọ, chuột nhiều hơn; ruộng ngập úng khiến số thóc giống gieo xuống đã không thể sống. Khi đối diện với thời tiết làm ảnh hưởng đến 30ha lúa của hơn 40 hộ nông dân, xã đã vận động bà con làm lúa muộn, là giống ngắn ngày; vận động bà con triển khai quyết liệt trong khoảng 15 ngày phải cấy kín đồng mới kịp thời vụ. Ngày 25, 26 Tết, bà con vẫn phải ra đồng cấy lúa, nhiều gia đình ăn trưa ngay tại đồng.
Làm nông, đàn ông cày, phụ nữ cấy đã trở thành thông lệ. Những người phụ nữ quán xuyến việc nhà vẫn phải đội mưa, còng lưng dặm từng cây mạ non, mong cứu mảnh ruộng của gia đình. Mọi người đổi công cho nhau, hôm cấy nhà này, mai nhà kia, phủ xanh từng khoảnh ruộng trống. Rồi ăn Tết được đúng 3 ngày, họ đã xuống đồng, phải cất công lên Hòa Khương, Hòa Phong mua mạ. Hôm tôi gặp 10 người phụ nữ hầu như đã qua tuổi trung niên ở đội 15, Nhơn Thọ 2, xã Hòa Phước, các dì kể vanh vách diện tích, đất ruộng của gia đình nào trong đội bị thiệt hại phải cấy lại. Dì Lữ Thị Thơi kể những cái tên ông Ba Tí, bà Sương, bà Hai Lợi, bà Lữ Thị Đà, bà Trương Thị Hơn..., những cái tên giản dị, những mảnh ruộng 3-4 sào nay phải cấy trong khi đám ruộng bên cạnh đã xanh tốt. Cấy cho nhau xong, còn mạ, các dì đã tự đem đến cấy ở những mảnh ruộng mà chủ nhân quá nghèo không đủ tiền mua giống.
Dì Thơi bộc bạch “phải hết tháng (âm lịch) những đám ruộng trống mới được cấy xong. Được mùa hay mất cũng phải bóp bụng mà làm chứ làm không biết có ăn được không”. Các dì, những phụ nữ nông dân chân đất cho rằng, cánh đồng của làng, của xã mình nằm cạnh quốc lộ, ai ra Bắc vào Nam cũng thấy nên không thể để cho đồng trống. Người dân quê nơi đây một nắng hai sương, quanh năm cần cù chịu thương chịu khó, đã không nghĩ cho riêng mình, mà nghĩ đến bà con xung quanh, đến làng xã. Có những người nông dân như thế, cánh đồng Hòa Phước, Hòa Châu mới được mệnh danh là ruộng “nhất đẳng điền”, năng suất mấy năm gần đây luôn đạt 60-70 tạ/ha. Dù lúa muộn, nhưng hy vọng năm nay trời không phụ lòng người, cho bà con được bồ đầy ăm ắp lúa...
HOÀNG NHUNG