.
LAO ĐỘNG CHO NGÀNH CÔNG NGHIỆP

Vừa thừa, vừa thiếu

.

Theo thông báo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, năm 2009 dự kiến sẽ có khoảng 150 ngàn lao động bị mất việc làm. Tại thành phố Đà Nẵng, dự báo sẽ có khoảng vài ngàn lao động bị mất việc làm trong thời gian tới. Khởi đầu là Công ty Giày Quốc Bảo đã chính thức đóng cửa, đồng nghĩa với trên một nghìn lao động phải nghỉ việc.

Một bộ phận trong dây chuyền sản xuất của Công ty Hữu Nghị Đà Nẵng.

Một số DN có việc làm gối đầu như Công ty Daiwa, trong những ngày đầu năm chỉ có khoảng 70-80% công nhân đến làm việc, phần vì do người lao động về ăn Tết chưa trở lại, phần do có dư luận sau Tết, công ty sẽ giảm khoảng 20% lao động của một số bộ phận. Trong khi đó tại Công ty CP Dệt-may 29-3 cho thấy, đến hết ngày 3-2, chỉ có gần 20 lao động đến nộp đơn xin tuyển dụng, trong khi công ty cần tuyển khoảng từ 200 đến 300 lao động có tay nghề, vì hiện đang có việc làm đến hết quý 2 với nhiều đơn hàng phải hoàn thành sớm theo yêu cầu của khách hàng.

Ở một số DN khác như Công ty Hữu Nghị và một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang loay hoay với việc tuyển dụng lao động cho năm kế hoạch 2009. Nguyên nhân của tình trạng này là do một số lao động có nhu cầu việc làm nhưng không đáp ứng được yêu cầu tay nghề của nhà tuyển dụng, vì hầu hết số công nhân này chỉ mới qua đào tạo ngắn hạn...
 
Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng xáo trộn lao động vào thời điểm đầu năm trong nhiều năm gần đây và năm 2009 này cũng không phải là ngoại lệ. Thực tế mức lương mà các DN trả cho công nhân hiện nay quá thấp, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, thu nhập của người lao động chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Hầu hết các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại các KCN không tăng lương cho công nhân, cho dù làm lâu năm, hoặc phải làm thay phần việc của người khác.
 
Một công nhân pha chế nước giải khát của Công ty Coca Cola sau 10 năm làm việc đã phải nghỉ việc cho biết, bộ phận của anh ngày đầu có 6-7 công nhân, nhưng do không tăng lương, lương thấp nên đến đầu năm 2008 chỉ còn 3 người và họ phải làm toàn bộ phần việc của những người đã nghỉ. Thế nhưng suốt 10 năm qua, anh và các công nhân khác không được tăng lương (chỉ có 1,2 triệu đồng/tháng) so với ngày mới vào. Do vậy, anh và những công nhân khác đã phải bỏ việc để tìm một công việc khác.

Bữa cơm công nghiệp tại khu công nghiệp Hòa Khánh.

Nhiều công ty không trả lương làm thêm giờ cho công nhân, đã thế còn chậm lương nhiều ngày so với thỏa thuận. Trong khi đó, các DN của thành phố do hạn chế về quy mô, về vốn, không thể cáng đáng nổi số lao động dôi dư này. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng công nhân bãi công trong thời gian qua.

Vấn đề này còn đặt ra cho công tác đào tạo việc làm và việc lựa chọn nhà đầu tư vào các KCN. Nhất là việc lựa chọn nhà đầu tư mà sản phẩm có hàm lượng chất xám cao hơn và thù lao (lương) cũng phải cao tương xứng. Muốn vậy, phải bỏ ngay kiểu quảng cáo “giá nhân công rẻ” khi kêu gọi đầu tư nước ngoài, vì đã đến lúc chúng ta không cần sự đầu tư bằng mọi giá với quá nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài mà hy sinh quá nhiều quyền lợi của thành phố và người lao động.

Mặt khác, công tác đào tạo nghề cũng cần phải có chuyển biến đi vào chiều sâu, theo hướng đào tạo công nhân có tay nghề cao, với thu nhập cao. Các cơ quan chức năng cũng phải ra tay đối với các DN o ép công nhân quá đáng và không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đặc biệt là việc gây khó khăn cho việc thành lập các tổ chức xã hội, tổ chức quần chúng tại các DN theo quy định của luật pháp, trước tiên là tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên... Mặt khác, cũng cần có các chính sách hỗ trợ để các DN trong nước vươn lên, góp phần giải quyết nhiều việc làm cho người lao động.

Bài và ảnh:  ĐỨCTHỊNH

;
.
.
.
.
.