.
NÔNG DÂN ÁP DỤNG KHOA HỌC - KỸ THUẬT VÀO SẢN XUẤT

Làm nhỏ không ăn, làm lớn không xong

.

Không được hướng dẫn nhiều về các phương pháp khoa học-kỹ thuật trong nuôi trồng; sản xuất dựa vào thói quen, kinh nghiệm là điều mà những người nông dân làm ăn nhỏ lẻ đang đối mặt. Với những hộ nông dân sản xuất theo quy mô lớn, dù đã được trang bị kiến thức khá đầy đủ, việc áp dụng khoa học-kỹ thuật vào thực tế cuộc sống vẫn gặp phải những rào cản mà bản thân họ khó có thể tự vượt qua.

Không biết cán bộ kỹ thuật là ai!

Để bảo vệ hoa ly ly trước thời tiết, anh Hòa đã sử dụng cọc tre làm nhà vòm dã chiến.

Một số hộ nông dân thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang cho biết, chưa một lần thấy cán bộ kỹ thuật nông nghiệp đến nhà hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi. Ông Lê Quế nói: “Thỉnh thoảng đi họp thôn tôi có nghe họ giới thiệu giống này, giống nọ, nhưng bữa có, bữa không.

Còn lại, chẳng thấy anh cán bộ kỹ thuật nào thăm hỏi hết”. Theo ông Quế, số hộ làm nông nghiệp nhỏ lẻ mới thực sự chiếm số đông và từng mớ rau, con cá… là nguồn thu nhập chính cho gia đình họ. Nhiều hộ dân khác cũng chỉ biết nuôi, trồng qua cách cha ông truyền lại. Có chăng, những người này tự học theo đài, báo rồi áp dụng được tới đâu hay tới đó.

Bà Vinh trong thôn Vân Dương 2 cho biết: “Trước Tết (khoảng tháng 11 âm lịch) là thời điểm xuất vịt, rứa mà cả đàn vịt 100 con của tôi tự nhiên lăn ra chết. Tôi không hiểu vì răng”. Đáng nói, bà Vinh không biết cán bộ thú y là ai để gọi đến tiêm phòng cho đàn gà, vịt. “Năm trước nữa, vịt được chích ngừa nên không bị dịch bệnh. Năm vừa rồi lại không thấy ai tới”, bà Vinh kể.

Ông Lê Mễ cũng cùng chung hoàn cảnh với các hộ nêu trên. Đàn heo ba, bốn chục con nhà ông bao lâu nay chỉ được nuôi theo kiểu “cha làm, con ngó theo”. So với nhiều năm trước, sản lượng heo nhà ông Mễ có tăng lên nhờ vào “khoa học mới”. Khoa học mới mà ông Mễ nhắc tới chính là: “Bây giờ có bột dành riêng cho heo, cộng với nước cơm từ các quán ăn của sinh viên. Tức là, thức ăn cho heo phong phú hơn”. Ông Mễ bộc bạch: “Không có cán bộ nào tới để nói cho tôi biết cái chuồng ni phải xây như răng. Nước, thức ăn cho heo cần điều kiện chi thì đúng tiêu chuẩn, giúp heo phát triển nhanh và phòng ngừa được bệnh dịch”.

Sản xuất luôn bị ảnh hưởng thiên tai
Nhờ học các lớp kỹ thuật nông nghiệp và tham quan nhiều mô hình mới, anh Phan Hòa, xã Hòa Liên đã vận dụng vào việc sản xuất của gia đình. Nhưng nếu những kiến thức lý thuyết về khoa học-kỹ thuật anh có được đều đi vào thực tế, có lẽ hiệu quả sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Hiện, anh Hòa có 1.500 mét vuông ao nuôi cá nước ngọt. Những năm gần đây, khí hậu thất thường, mưa lũ kéo dài nên đàn cá của anh bị thiệt hại nặng nề.

Anh Hòa trăn trở: “Tháng 3 âm lịch nhập giống về. Nuôi trong 12 tháng, từ lúc cá nhỏ bằng hạt dưa đến khi mỗi con nặng ít nhất hơn 3,8kg. Vậy mà qua một đợt lụt thì mất sạch. Nếu thu hoạch sớm, cá lại chưa đủ lớn để bán”. Theo anh Hòa, vẫn có cách rút ngắn thời gian nuôi xuống còn 6 tháng để thu hoạch cá trước mùa mưa. Nhưng cách làm này đòi hỏi lượng thức ăn tăng gấp nhiều lần mới ép cá lớn nhanh được. Trong khi đó, giá nguyên liệu chế biến thức ăn là vấn đề bức xúc của nông dân hiện nay.
Chưa hết, qua đợt Tết vừa rồi, anh Phan Hòa lỗ hơn 30 triệu đồng vì trời lạnh kéo dài, hàng trăm chậu hoa cảnh không nở đúng dịp. Dù đã được học cách chăm sóc hoa bằng nhà vòm để phòng trừ sâu bệnh, tránh sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng “đầu tư nhà vòm đúng chuẩn phải tốn vài chục triệu đồng, nên chúng tôi đành trồng hoa khơi khơi dưới trời hoặc che dã chiến với vài cọc tre và nilông”.

Anh Hòa nói thêm: “Ước mong của những người trồng hoa tại Đà Nẵng là được giới thiệu và hướng dẫn ứng dụng những giống hoa lạ. Bởi cúc và một số loại khác thì ai cũng trồng được. Nếu trồng những giống mới như ly ly chẳng hạn, giá trị sẽ tăng lên nhiều lần”.

 
Nông dân có gọi, cán bộ kỹ thuật mới đến.

Kỹ sư Ngô Thị Thu Vân, Phòng Kế hoạch thông tin, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm Đà Nẵng cho biết: “Áp dụng các phương pháp khoa học-kỹ thuật mới vào sản xuất, người nông dân phải đầu tư nhiều, nhưng hiện tại, thị trường nông sản chưa được quản lý tốt, sản phẩm sạch, an toàn bị các sản phẩm trôi nổi khác ép giá.

Chẳng hạn với rau sạch, nông dân bỏ tiền của, công sức nhiều, nhưng ra thị trường lại chưa được cơ quan nào chứng nhận đó là sản phẩm chất lượng, chưa có bao bì nhãn mác xác định nguồn gốc, nên bị lẫn lộn với các loại rau không an toàn. Nông dân nản nên vẫn làm theo thói quen là chính.

Về việc những hộ canh tác nhỏ lẻ trong vườn nhà chưa nhận được sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật, bà Vân cho rằng: “Sản xuất dưới hình thức này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm bệnh, sản lượng lại không bảo đảm. Nông dân có gọi, cán bộ kỹ thuật mới đến.
 
Đằng này, chúng tôi cũng chưa nghe người dân phản ánh gì cả. Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm là nơi tư vấn theo yêu cầu, nên nếu các hộ dân có nhu cầu thì đề đạt nguyện vọng lên thôn để được cử cán bộ đến tận nơi hướng dẫn.”

 


Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.