Qua một chặng đường đổi mới, bộ mặt đô thị Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi nhanh chóng. Những khu nhà ở manh mún, rách nát, những bãi đất hoang đã được thay thế bởi những ngôi nhà mới, các khu trung tâm, công nghiệp. Diện mạo của vùng ven đô Đà Nẵng vì thế cũng thay da đổi thịt hằng ngày, góp phần vào xu thế phát triển chung của một trung tâm kinh tế-xã hội động lực miền Trung.
Những không gian mở
Vùng cát trắng dưới chân núi Ngũ Hành Sơn nay đã khoác lên người bộ áo mới. Tuy nhiên vẫn còn khá lúng túng về kiến trúc đô thị. |
Hiện nay, vùng ven đô của Đà Nẵng chưa ổn định và đang trên đà tiếp tục mở rộng, chỉnh trang và phát triển. Một số xã vùng ven thuộc Liên Chiểu, Hòa Vang, Cẩm Lệ… giao thông được trải dài và thông suốt, những dãy nhà mới mọc lên thay thế cho nhiều ngôi nhà xập xệ trong quá khứ. Năm 2009, thành phố tiếp tục đưa ra chủ trương mở rộng hơn 1.000 ha quỹ đất phát triển lên đô thị. Theo kiến trúc sư (KTS) Huỳnh Tòa, Phó Chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng, Đà Nẵng đã và đang phát triển theo cách chuẩn bị hạ tầng trước, bày biện ra một đô thị sẵn có để thu hút đầu tư và khi hội đủ điều kiện sẽ nhanh chóng tạo ra một bộ mặt đô thị mới, phù hợp với cuộc sống của đại đa số người dân.
Một trong những thành công của Đà Nẵng hiện nay là huy động được cộng đồng cùng chung tay góp sức trong việc xây dựng hạ tầng cơ sở. Nhà nước bảo đảm kinh phí để xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm… Nhân dân tự nguyện đóng góp giá trị đất nằm trong các vùng dự án, tường rào, cổng ngõ. Kiến trúc vùng ven Đà Nẵng may mắn vẫn còn lưu giữ được những giá trị vốn có của mình như mở rộng và tiếp cận tối đa biển, khai thác thế mạnh tổng hợp của địa hình cảnh quan núi, đồng bằng, sông biển, thế mạnh của di tích, di sản văn hóa… làm cho không gian và hình thái đô thị Đà Nẵng quyện vào môi trường cảnh quan vốn có, tạo tiền đề cho sự phát triển kiến trúc, đúng định hướng và mang sắc thái riêng.
Trao đổi với chúng tôi, KTS Nguyễn Văn Chương, Viện trưởng Viện Quy hoạch-Xây dựng thành phố cho biết, đường viền đô thị là yếu tố thể hiện rõ nhất mối quan hệ giữa đô thị với môi trường. Kiến trúc vùng ven đô là kết quả của sự tương tác giữa đô thị với những sức ép từ bên ngoài như bối cảnh địa điểm, địa hình, hệ sinh thái. Đó cũng là hệ thống liên kết không gian đô thị với nhau và không gian đô thị với tự nhiên.
Những ngôi nhà dân sinh
Xây dựng chung cư cho những người có thu nhập thấp là giải pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay. |
Để tạo nên sự hài hòa trong kiến trúc đô thị vùng ven, KTS Bùi Huy Trí cho rằng, nhà quy hoạch cần nghiên cứu thấu đáo những vấn đề cốt lõi có ý nghĩa quyết định đến tương lai các làng, xã bao gồm: Nghiên cứu những cơ sở cho việc quy hoạch các làng, xã ven đô thị. Đề xuất mô hình tổ chức không gian làng, xã trong quá trình đô thị hóa. Đề xuất mô hình chuyển đổi thích ứng từ làng, xã trở thành đơn vị ở đô thị… mang lại sự ổn định về cấu trúc không gian và đời sống cộng đồng, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến, giữ gìn được bản sắc dân tộc truyền thống, có một môi trường sinh thái ổn định và phát triển bền vững.
Trên thực tế, tại một số vùng ven đô, người dân quan tâm đến những giá trị về mặt dân sinh hơn là chú tâm đến những giá trị về mặt kiến trúc, không gian đô thị. Những điều kiện khá eo hẹp về kinh tế, sự không đồng bộ trong thực hiện quy hoạch, người dân tự ý cơi nới, sửa chữa nhà ở… dẫn đến sự lồi lõm trong kiến trúc. Kết quả là phố xá lộn xộn, nhà cửa manh mún, kiến trúc tùy tiện và nghèo nàn, tạo nên sự lãng phí về không gian đô thị. Theo kỹ sư Hồ Duy Diệm, Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, với nhu cầu bản năng bình thường thì nhà ở ngày nay ở một số vùng ven thuộc Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn… đã đáp ứng được điều đó.
Ngay trung tâm hành chính quận Thanh Khê, vẫn có những ngôi nhà cứ nghĩ chỉ có ở vùng ven. |
Việc có một hướng đi đúng đắn trong phát triển đô thị vùng ven, chú tâm đến kiến trúc quy hoạch cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nhà ở mang một ý nghĩa quan trọng, tác động đến cuộc sống của người dân nói riêng và bộ mặt thành phố nói chung, góp phần vào công cuộc xây dựng Đà Nẵng trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
TIỂU YẾN