.
Thị trường lao động đầu năm mới:

Lạc quan với doanh nghiệp “nội”

.

(ĐNĐT) - Khác với nhiều doanh nghiệp (DN) ở địa phương khác, ngay sau Tết Kỷ Sửu, đa số DN trên địa bàn Đà Nẵng đều thừa nhận không thiếu vắng lao động tìm việc. Tuy nhiên, cơ hội lại chỉ thực sự có ở những đơn vị đang tiếp tục duy trì được những đơn hàng ổn định cho đến quý 3-2009.

Công nhân Công ty Cổ phần Cơ điện miền Trung hăng hái sản xuất trong suốt mùa Tết Kỷ Sửu.

Theo ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may 29/3, bắt đầu từ mồng 8 Tết vừa qua, đơn vị ông đã niêm yết tuyển dụng thêm 300 lao động có tay nghề giỏi để chuẩn bị cho các đơn hàng sắp tới. Ông Trần Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần Giày Hữu Nghị cũng cho hay, từ trước Tết Kỷ Sửu, đơn vị ông đã phải lên kế hoạch tuyển gần 1.000 công nhân nữa, vì lượng đơn hàng đã ký với các đối tác xuất khẩu năm 2009 lại tăng lên.

Trong khi đó, các đơn vị sản xuất khác như Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ, Công ty Cổ phần Vinatex Đà Nẵng lại cho biết đang đôn đốc rà soát lại nguồn lao động sau Tết, đảm bảo duy trì đủ quân số để phòng đón các đơn hàng mới.

Ông Nguyễn Ngọc Trí, Giám đốc Vinatex Đà Nẵng nhấn mạnh, dù tình hình sản xuất thời điểm đầu năm chưa mấy khả quan, thậm chí có dấu hiệu suy giảm so với mọi năm, nhưng DN vẫn xác định duy trì lao động, tránh xảy ra tình trạng thải bớt công nhân để khỏi tổn thất những tay nghề giỏi. Ông Ngô Việt Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện miền Trung thì khẳng định, tất cả lao động tại DN ông, chủ yếu tại các xí nghiệp trực thuộc đều rất bình ổn công việc và không có dấu hiệu biến động nào.

Những tín hiệu này cho thấy đa phần các DN quy mô, nhất là DN sản xuất đã có truyền thống nhiều năm tại Đà Nẵng đều hạn chế tối đa tình trạng lao động mất việc vào đầu năm mới. Đây là điều thật ấn tượng trong bối cảnh thị trường lao động đang phải đối mặt tình cảnh mâu thuẫn cung cầu hiện nay.

Công nhân Công ty Cơ khí Ôtô và Thiết bị Điện Đà Nẵng triển khai tiếp đơn hàng cho khách hàng ngay đầu năm.
Thực tế cho thấy, không ít DN tại Đà Nẵng và các nơi ngay trước Tết Kỷ Sửu đã phải tính kế hoạch thoái giảm nguồn nhân lực bởi lượng hàng sản xuất bị giảm nặng nề. Nhiều DN thừa nhận, sau Tết không có đơn hàng để tái hoạt động ổn định, khả quan cũng phải giữa quý 2-2009 mới tìm lại được nhu cầu sử dụng lao động. Do đó, nhiều lao động xem như kết thúc công việc vào cuối năm vừa qua, hoặc chấp nhận ở lại quê luôn để kiếm việc khác, hoặc trở lại Đà Nẵng ăn lương chờ việc và kiếm việc dài ngày.

Theo đánh giá của các DN, điều đáng ghi nhận là cho đến nay, xu hướng thứ hai đang diễn ra, và đây lại là lý do khiến các DN vừa mừng vừa lo. Ông Chính bày tỏ, mừng là với nguồn lao động có nghề đang dư dôi do nhiều DN khó khăn về đơn hàng, số DN có việc làm sẽ thêm cơ hội tuyển chọn, có thể tìm được nhiều công nhân giỏi bổ sung vào nguồn lực của mình; song lại phải lo có thể tự tin để giữ vững quân số hay không trong xu hướng khó khăn sẽ đến.

Điều đáng nói là rất khác với mọi năm, cơ hội việc làm của đa số lao động cần việc tại Đà Nẵng giờ đây lại rơi về các DN sản xuất địa phương. Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng nhìn nhận, không ít các đơn vị sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài từng thu hút nhiều lao động vào mỗi thời điểm năm mới, hiện nay đều đang bế tắc hoạt động, có DN còn đang tính toán dừng sản xuất hẳn. Trong khi đó, các DN Đà Nẵng vốn “bị chê” thu nhập ít và khó khăn trước đây, như Giày Hữu Nghị, lại là cánh cửa ưu tiên tuyển dụng lao động mới.

Ông Ngô Việt Hải phân tích, có thể nói đây là điều phải nhìn nhận nghiêm túc với nhiều cấp quản lý hay ở chính người lao động, khi trong quá khứ từng có những chính sách đãi ngộ ưu tiên giành cho nhóm DN vốn nước ngoài, DN quy mô từ địa phương khác ngoài Đà Nẵng. “Chúng tôi dù từng rất khó khăn cũng không buông lỏng lao động và theo đó, đã giữ được uy tín để giờ đây thuyết phục các đối tác duy trì tốt những đơn hàng sản xuất”, ông Hải nói.

Rõ ràng với suy nghĩ này, nội lực của các DN “nội” Đà Nẵng đã được khẳng định và theo đó để ổn định tốt nguồn việc làm cho các lao động hiện có, họ cần nhận được thêm đòn bẩy hợp lý từ chính sách quản lý, hỗ trợ của Nhà nước. Có như vậy, cơ hội cho những lao động cần việc tại địa bàn Đà Nẵng sẽ càng được nhân lên và thực tế mâu thuẫn “lao động thiếu việc, DN thiếu người” của thị trường lao động sẽ được khắc phục phần nào.

Uyên Nghi

;
.
.
.
.
.