Ngày 23-2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ đã làm việc với Tập đoàn và Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu và giải quyết việc làm cho người lao động. Tham dự có các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng và Hoàng Trung Hải cùng lãnh đạo các bộ, ngành chức năng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Tập đoàn Dệt-may Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Tháng 1-2009, xuất khẩu đạt 550 triệu USD đứng đầu danh mục hàng hóa xuất khẩu cả nước, chỉ đạt 33% so với tháng 1-2008 và ước 2 tháng đầu năm nay xuất khẩu đạt 1,15 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Về sản xuất kinh doanh năm 2009, ông Ân nhận định, do ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu, nhất là thị trưởng Mỹ, EU và Nhật Bản dẫn đến đơn hàng may sẽ giảm 20% trong quý 1 và 15% trong quý 2; thị trường sợi giá bán tiếp tục thấp do giá vật liệu thấp và cạnh tranh gay gắt; các doanh nghiệp phân phối, ngoài sức mua giảm còn chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp của việc mở cửa thị trường bán lẻ tại Việt Nam.
Đứng trước những khó khăn về thị trường tiêu thụ và giải quyết việc làm cho 2 triệu lao động, ông Ân cũng cho biết, ngành đang tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời triển khai các chính sách về tài chính, an sinh xã hội, tổ chức và nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ… phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu toàn ngành từ 9,5-10 tỷ USD, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Để đạt được mục tiêu, ông Ân đề nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ lao động và đào tạo nguồn nhân lực, tín dụng và thuế.
Chia sẻ khó khăn của ngành dệt may trước bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Hiệp hội Dệt may đã đoàn kết chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn duy trì sản xuất, xuất khẩu và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là các mục tiêu và giải pháp cụ thể về xuất khẩu và tiêu thụ nội địa nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Thủ tướng nhấn mạnh, ngành dệt may đóng góp 15% giá trị xuất khẩu và sử lao động lớn nhất trong các ngành công nghiệp.
Trong những năm qua, ngành dệt may mà chủ lực là Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng liên tục và có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, đồng thời tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao (38%), doanh thu và lợi nhuận chiếm 16% trên vốn chủ sở hữu, thu nhập người lao động và nộp ngân sách tăng… Đặc biệt là trong bối cảnh biến động của thị trường nhưng Tập đoàn đã chia sẻ đơn hàng cho các doanh nghiệp giữ việc làm cho trên 10 nghìn lao động.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ nhưng hạn chế của ngành như: Chưa tạo được bước đột phá về thương hiệu, vốn chủ sở hữu thấp, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao- vừa giải quyết việc làm vừa nâng cao giá trị hàng hóa, tiêu thụ nội địa thấp… Do vậy, Tập đoàn cần thấy rõ vai trò chủ lực, nòng cốt trong ngành dệt may để đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề, mở rộng thị trường… Thông qua đó gắn kết trong Hiệp hội để phát triển.
Về kế hoạch phát triển năm 2009, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam bám sát chiến lược đã phê duyệt, phấn đấu năm 2020 đạt doanh thu xuất khẩu 25 tỷ USD và giải quyết việc làm cho 5 triệu lao động. Để triển khai quyết liệt các giải pháp, phấn đấu giá trị xuất khẩu đạt 10-10,5 tỷ USD trong năm nay, Tập đoàn cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hạ giá thành để có được giá bán phù hợp với thị trường nhưng vẫn duy trì được lao động và thu nhập cho người lao động, hoàn thiện cơ chế tài chính, đào tạo nguồn nhân lực… gắn kết cùng Hiệp hội để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa về chính sách đẩy mạnh xuất khẩu, lao động, tài chính và thuế.
Giải quyết các kiến nghị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam liên quan đến xuất khẩu, tín dụng, lao động và thuế, Thủ tướng giao các Bộ Tài chính và Công thương, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ Tập đoàn thực hiện xúc tiến thương mại và các chính sách về hỗ trợ lao động và thuế… giúp Tập đoàn tháo gỡ khó khăn cùng cả nước ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
(Theo TTXVN)