.

Cáp treo Bà Nà cận giờ G

.

Gần 11 giờ trưa, công trường ga 1 cáp treo Bà Nà vẫn nhộn nhịp. Ga 1 và ga 2 (phục vụ cho tuyến cáp khai trương vào ngày 25-3-2009) đã hoàn thành cơ bản về hệ thống cáp treo, nhưng công nhân vẫn miệt mài làm việc để làm nốt các hạng mục như lát đá, trồng cây...

Làm ngày làm đêm

Trên công trường, công nhân làm ngày đêm cho kịp tiến độ.

Một công nhân ở khu ga 1 vừa quệt mồ hôi, vừa nói: “Gần 2 tuần nay, anh em đều ráng làm cho kịp tiến độ. Sáng làm tới 5 giờ chiều, ăn tối xong làm tiếp tới 10-11 giờ đêm. Ai mệt thì luân phiên nhau nghỉ”. Trong khuôn viên này, nhà đầu tư còn dự tính sẽ trồng cây nêu cao 20 mét, trên đó treo đèn lồng 1,7 mét, làm cầu treo bắc qua suối, dựng các lán chòi dọc suối cho khách dừng chân nghỉ ngơi. Công nhân thi công tuyến cáp thứ 2 cũng đang chạy nước rút không kém.
 
Giữa bộn bề sắt thép, gạch đá của công trình nhà ga 4 trên đỉnh Bà Nà (khu nhà hàng Lệ Nim cũ), ông Huỳnh Tịnh - chỉ huy công trình nhà ga 1, 2 và 4 cho biết: “Đây là lần đầu tôi thi công một công trình với tiến độ nhanh kinh khủng. Mới khoảng 2 tháng, nhà ga 4 (diện tích sàn là 700m2 – PV) đã lên được tầng 3. Những hôm đổ sàn, anh em chúng tôi gần như thức trắng đêm. Dự kiến đến cuối tháng 3 sẽ xong phần bê-tông”.

Tại Khu du lịch Bà Nà Bynight – khu duy nhất được giữ lại để đón khách, nhân viên tất bật dọn dẹp phòng ốc, chùi rửa sàn nhà, sắp xếp bàn ghế. Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP dịch vụ cáp treo Bà Nà, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group cho hay, khu du lịch có 60 phòng với trên 100 giường, giá 200-400 nghìn đồng/đêm đã kín khách trong dịp khai trương cáp treo ngày 25-3. Do đó, toàn khu đang được sửa sang, trồng thêm cây cảnh, bảo đảm tiện nghi ở mức tối thiểu 2 sao. Khoảng 200 phòng nữa trên đỉnh Bà Nà sẽ được đưa vào sử dụng ngay dịp 30-4. Trong khoảng 1-2 năm tới, ông Trường dự tính tăng cơ sở lưu trú lên khoảng 1.500 phòng.

Thu hút khoảng 1 triệu lượt khách/năm

Nhân viên Khu Bà Nà Bynight chùi rửa, sắp xếp bàn ghế chuẩn bị đón khách.

Theo ông Trường, do nhìn thấy tiềm năng phát triển du lịch - dịch vụ của Bà Nà, nên Tập đoàn Sun Group quyết định đầu tư lớn, dù chi phí bỏ ra nhiều gấp 3 lần đầu tư cho một công trình ở đồng bằng, và có khả năng lỗ trong thời gian đầu hoạt động. Sau cáp treo, trong khoảng 3 năm nữa, hàng loạt các dịch vụ đi kèm khác như casino, vườn thú, dịch vụ spa, massage, phục vụ hội nghị, nhà hàng với sức chứa 600 khách... sẽ lần lượt ra đời, đáp ứng các nhu cầu từ bình dân đến cao cấp.
 
Ngoài ra, thanh niên, học sinh - sinh viên, lớp khách hàng ưa thích thiên nhiên, dã ngoại vẫn có thể yên tâm sử dụng dịch vụ Bà Nà, bởi các khu cắm trại-nhà lều sẽ được quy hoạch, các tuyến sinh thái Chim khướu, Thung lũng Vàng (từ cầu treo đến đồi Vọng Nguyệt) và tuyến Suối Nai đến thác Cầu Vồng tiếp tục được đưa vào khai thác. Cùng lúc, bộ phận Marketing của Tập đoàn chuẩn bị cho chiến dịch quà lưu niệm với các vật phẩm đặc trưng như mô hình trụ cáp treo Bà Nà, mũ, áo...

Kế hoạch thu hút khách trong mùa mưa cũng được tính đến, khi nhà đầu tư cho thiết kế, cải tạo và bố trí các loại máy hút ẩm, chống thấm, lò sưởi, tăng thêm lượng chăn màn và thỏa thuận điều tiết giá với các hãng lữ hành. Các vấn đề quan trọng khác như an ninh, y tế, vệ sinh môi trường cũng được chú trọng nhằm bảo đảm cho du khách thụ hưởng chất lượng tốt nhất.

“Chúng tôi sẽ điều tiết dịch vụ thích ứng với lượng khách, để tránh tình trạng khách lên nhiều mà không có gì vui chơi, giải trí, ăn uống, hoặc thiếu phòng”. Với tất cả dịch vụ trên, ông Trường kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 1 triệu lượt khách/năm đến Bà Nà trong những năm đầu tiên, trong khi đó, số lượng này trước đây là 200 nghìn lượt.

 

Toàn tuyến cáp treo Bà Nà có 22 trụ với 94 cabin, công suất phục vụ 1.500 khách/giờ. Thời gian từ ga đi đến ga đến (hoặc ngược lại) là 15 phút 5 giây, với vận tốc 6m/giây. Theo xác nhận của Hiệp hội cáp treo thế giới, tuyến cáp treo này đã lập 2 kỷ lục thế giới.
 
Đó là tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62m) và có độ cao chênh lệch giữa ga trên-ga dưới lớn nhất thế giới (1.291,81m). Tổng kinh phí đầu tư cho công trình gần 300 tỷ đồng, là cáp treo có kinh phí xây dựng lớn nhất hiện nay tại Việt Nam.
 
Ngoài 2 kỷ lục trên, cáp treo này còn nắm giữ một loạt kỷ lục trong khu vực: nhà ga xuất phát của cáp treo có diện tích sàn vào loại lớn nhất Đông Nam Á với đầy đủ khu vui chơi giải trí, khu trưng bày tư liệu và hình ảnh về Bà Nà xưa và nay. Cáp treo này hơn hẳn cáp treo đi từ đồi Faber sang đảo Sentosa (Singapore), cáp treo Genting (Malaysia), cáp treo Lantau (Hong Kong). Đến ga cuối của cáp treo, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tượng Phật Thích ca tọa thiền cao 27m.

Theo kế hoạch, công trình sẽ chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động từ ngày 25-3, nhân kỷ niệm 34 năm Giải phóng thành phố Đà Nẵng, với mức giá 150 nghìn đồng/lượt đi-về.

Tuyến cáp treo thứ 2 từ đỉnh Vọng Nguyệt lên đồi Lệ Nim có chiều dài 697,67m, công suất phục vụ 1.500 khách/giờ với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng cũng đang được triển khai xây dựng. Đây là tuyến cáp treo thay thế cho tuyến cáp cũ dùng để vận chuyển khách từ đồi Vọng Nguyệt lên đỉnh Nghinh Phong có chiều dài 870m với quy mô 340 khách/giờ vừa được dỡ bỏ. Dự kiến tuyến cáp treo này sẽ hoàn thành vào quý 2-2009.

 

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.