.

Cơ hội để doanh nghiệp mở rộng đầu tư

.

Sau gần một năm đầu tư xây dựng nhà xưởng, năm 2006, Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (100% vốn Nhật Bản) đã đi vào sản xuất. Hiện công ty đang tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Phóng viên Báo ĐÀ NẴNG đã có cuộc phỏng vấn với ông HIDEO HOSOYA (ảnh) - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng xung quanh vấn đề thời cơ và thách thức của DN từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

 .

* P.V: Xin ông cho biết tình hình sản xuất của DN hiện nay, khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm cho nhiều DN gặp vô vàn khó khăn?

- Ông Hideo Hosoya: Năm 2005, Tập đoàn Mabuchi đầu tư vào Đà Nẵng với dự án sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, motor… với vốn ban đầu 39,9 triệu USD nhưng hiện nay đã là 65 triệu USD. Điều này khẳng định sự đầu tư của Mabuchi vào Đà Nẵng với một chiến lược lâu dài và không ngừng đẩy mạnh phát triển sản xuất. Cụ thể đầu năm 2008, khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu diễn ra đỉnh điểm nhưng Mabuchi vẫn tiếp tục đầu tư sản xuất với giai đoạn 2. Dự kiến trong vòng 7 tháng tới, Mabuchi Motor Đà Nẵng có dây chuyền sản xuất thứ 2 đi vào hoạt động.

Trong tháng 1-2009, Mabuchi Motor Đà Nẵng đã đạt doanh số bán hàng 1.350.000 USD. Sản phẩm motor nhỏ phục vụ cho ngành sản xuất công nghiệp điện tử được xuất khẩu sang thị trường Thailand, Singapore, Indonesia, Hong Kong… Hiện Mabuchi Motor Đà Nẵng đang sử dụng 4.000 nhân công và khi giai đoạn 2 đi vào hoạt động sẽ có thêm 2.000 chỗ làm mới, nâng tổng số lao động lên 6.000 người.

Khủng hoảng kinh tế cũng làm cho Mabuchi Motor Đà Nẵng gặp một số ít khó khăn, song người lao động ở công ty vẫn yên tâm làm việc. Mabuchi Motor Đà Nẵng chưa sa thải bất cứ công nhân nào, trừ khi một ai đó vi phạm kỷ luật hoặc tự bỏ việc do chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn. Tập đoàn Mabuchi có nhà máy sản xuất chính tại Trung Quốc. Mabuchi Motor Đà Nẵng chỉ chiếm 20% sản lượng của tập đoàn.

Những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay sẽ là cơ hội cho DN tăng tốc trong đầu tư. Tập đoàn Mabuchi sẽ cắt giảm sản lượng từ Trung Quốc và tăng sản lượng cũng như công suất sản xuất tại Việt Nam. Tôi tiên liệu Mabuchi Motor Đà Nẵng sẽ tăng sản lượng lên 25 - 30%  trong tổng sản lượng toàn Tập đoàn Mabuchi trong vài năm đến.

 

Công nhân Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng đang sản xuất.

* P.V:  Là nhà đầu tư nước ngoài, điều gì làm ông chưa hài lòng trong quá trình đầu tư sản xuất tại Đà Nẵng?

- Ông Hideo Hosoya:
Chưa hài lòng thì ít thôi nhưng khó đấy. Tập đoàn Mabuchi nói riêng, DN Nhật Bản nói chung được sự quan tâm đặc biệt từ phía Chính phủ Việt Nam và các Bộ, ban, ngành. Chúng tôi theo sát các chủ trương, chính sách của Việt Nam để quyết định đầu tư. Sự có mặt của Mabuchi tại Đà Nẵng cũng nói lên sự quan tâm hỗ trợ từ phía chính quyền thành phố Đà Nẵng. Tôi thiển nghĩ, sự phát triển của Mabuchi cũng là sự phát triển của nền kinh tế thành phố.

Điều chưa hài lòng là hiện nay vấn đề giá, lệ phí xuất nhập khẩu qua Cảng Đà Nẵng quá cao, ít luồng tuyến hàng hải. Trong quá trình đầu tư sản xuất, chúng tôi buộc phải vận chuyển trang thiết bị vào các cảng biển khác, gây tốn kém về chi phí vận chuyển, trễ nải trong lắp đặt thiết bị sản xuất. Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng,  hiện Đà Nẵng vẫn còn ít DN đầu tư sản xuất công nghiệp và tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây chưa sôi động, hy vọng thời gian tới sẽ có thay đổi.

Vấn đề khác là khi đi vào sản xuất, việc mất điện (dù có thông báo trước) nhưng DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Mabuchi Motor Đà Nẵng phải bố trí lại ca kíp sản xuất, quản lý điều hành… song việc cúp điện là gây lãng phí, ảnh hưởng nhiều đến quá trình sản xuất của DN.

Bản thân tôi là người nước ngoài, nhưng điều kiện sinh hoạt, vui chơi giải trí cho người nước ngoài tại Đà Nẵng còn quá đơn điệu. Con tôi, vợ tôi rồi cũng đến Đà Nẵng nhưng họ sẽ học hành ở đâu, vui chơi giải trí thế nào?

* P.V: Cám ơn ông về buổi trò chuyện cởi mở này!

TRIỆU NAM PHƯƠNG (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.