.
ĐÁNH BẮT HẢI SẢN

Được mùa - mất giá

.

Cũng như sản xuất nông nghiệp, hoạt động đánh bắt hải sản liên tục đối mặt với tình trạng được mùa thì mất giá. Những tháng sau Tết Nguyên đán hằng năm là mùa làm ăn của ngư dân. Thời gian này không chỉ trời yên biển lặng mà theo dòng hải lưu trên biển, các ngư trường hải sản nhiều hơn. Gần bờ có ruốc, cá cơm, xa hơn nữa là cá nục, cá ngừ, cá cờ, cá thu...
 

Hải sản tại cảng cá ở Âu thuyền Thọ Quang nhiều, giá rẻ.

Thường cá đi từng đàn nên hiệu quả đánh bắt rất cao. Hầu như tàu nào từ biển về cũng đầy ắp hải sản đủ loại. Không ít tàu công suất lớn đánh bắt bằng nghề lưới vây, lưới cản, hơn nửa tháng bám biển đưa về trên dưới 20 tấn. Tuy nhiên, sản lượng cao mà ngư dân không mấy phấn khởi chỉ vì giá thấp, thu nhập không khá hơn những chuyến đánh bắt ít  gặp lúc giá cao.

Tàu ĐNa 90165 của ông Phạm Văn Phước ở tổ 24 phường Thanh Khê Đông (Thanh Khê) đánh bắt bằng nghề lưới vây đang chuẩn bị những thứ cần thiết để ra khơi. Khi được hỏi về thu nhập thì nét mặt họ chùng xuống. “Mùa này đánh bắt được nhiều cá, kéo mẻ lưới có khi cả tấn, nhiều con trên một vài tạ chứ không ít”, anh Đào Ngọc Quốc Khánh cho hay. “Cá nhiều vậy chắc thu nhập cao”, chúng tôi hỏi.
 
“Được vậy đã may. Cá nhiều mà giá rẻ nên thu nhập không cao hơn so với trước đây là mấy. Cá ngừ trước Tết 22 nghìn đồng/kg, nay chỉ còn 13 nghìn đồng, một tấn mất đứt gần chục triệu đồng. Hay như cá thu trước Tết 50-60 nghìn đồng/kg, nay chỉ còn 35-40 nghìn đồng. May mà giá dầu hạ, chứ giá cao như năm ngoái, năng suất mấy cũng lỗ to”.

Chỉ sang chiếc tàu ĐNa 90339 của ông Nguyễn Văn Cư ở phường Thanh Khê Đông cập bến hai hôm trước, đưa về trên 20 tấn hải sản, anh Nguyễn Tùng cho hay: “Khi cập bến ai nấy hồ hởi lắm, người nào cũng tin chắc sẽ thu nhập cao. Ai ngờ bán cá xong, thuyền trưởng, thuyền viên mặt mày ỉu xìu. Thấy họ vậy, ra khơi chẳng mấy yên tâm. Biết đâu nửa tháng nữa tàu cập bến, giá hạ hơn cũng nên”.  

Tâm trạng chung của ngư dân cho rằng, tình trạng thương lái ép giá hải sản diễn ra khá phức tạp, họ bị thiệt hại rất lớn. Vất vả cực nhọc mới đưa được nhiều tôm cá về đất liền, thế nhưng khi bán xong, thu nhập chẳng ăn thua gì. Anh Nguyễn Văn Thuận, ngư dân ở phường An Hải Tây (Sơn Trà) phàn nàn: Trước đây, chuyến biển chỉ đưa về hơn 3 tấn, thu nhập gần 1 triệu đồng/người, nay đưa về 7 tấn cũng chỉ có vậy.        

Thời gian này, sáng nào cảng cá ở âu thuyền Thọ Quang cũng chất ngất những đống cá cờ, cá ngừ, cá thu. Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc cảng cá cho hay: Mùa cá nam nên cá về nhiều. Mỗi ngày đêm qua cảng gần trăm tấn. Loại hải sản nào giá cũng thấp hơn so hồi đầu năm 25-30%. Ngư dân chẳng mấy ai vui. “Quy luật cung cầu của thị trường. Cá nhiều thì giá rẻ và ngược lại, đó là điều tất yếu từ xưa đến nay”, ông Ngọc cho biết.

Việc thu mua hải sản của ngư dân ở Đà Nẵng đang bị thả nổi, tư thương tự làm giá. Các doanh nghiệp chế biến hải sản đã lùi về phía sau, “nhường” khâu thu mua hải sản cho thương lái tự tung tự tác. Thiệt hại luôn đổ về phía ngư dân và người tiêu dùng. Đó là chưa kể, không bán với giá do tư thương ấn định, có khi còn chịu hậu quả của lối hành xử theo kiểu xã hội đen.

Đã từ lâu, ngành thủy sản có đề án hình thành chợ đấu giá hải sản (chợ đầu mối). Hải sản của ngư dân chuyển lên chợ này, sau đó tổ chức đấu giá. Ai đấu giá cao sẽ mua được hàng. Tuy nhiên, đến nay điều đó mới chỉ trong ý tưởng.

Được mùa - mất giá, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trên biển. Khắc phục tình trạng này, ngành thủy sản cần đứng ra tổ chức việc đấu giá hải sản của ngư dân. Trước mắt, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng chợ đầu mối hải sản và hình thành bộ máy thực hiện việc đấu giá hải sản công khai, công bằng; bảo đảm quyền lợi chính đáng của ngư dân, góp phần thúc đẩy hoạt động đánh bắt hải sản phát triển.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU        

;
.
.
.
.
.