Đây là nhân tố có tính sống còn của các DN nước ta khi gia nhập WTO, đặc biệt là những sản phẩm không mang tính độc quyền, những sản phẩm công nghiệp thuộc lĩnh vực hàng tiêu dùng. Theo đánh giá chung, do những hạn chế về công nghệ, tay nghề và thiết bị nên khi gia nhập vào WTO, các DN của chúng ta có nhiều bất lợi. Giá thành cao, chất lượng sản phẩm rất ít loại đạt chuẩn quốc tế, nên khi tham gia vào thị trường thế giới thường bị ép giá hoặc rất khó cạnh tranh được với các sản phẩm của các nước tiên tiến, kể cả các nước trong khu vực.
Lốp ô-tô loại trung, một trong những sản phẩm có ưu thế cạnh tranh của Công ty CP Cao su Đà Nẵng trên thị trường khu vực. |
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Thọ Quang cho biết: Hầu hết các sản phẩm hải sản của Việt Nam đều là bán thành phẩm. Các đối tác của các DN Đà Nẵng sau khi mua hàng đều phải qua một công đoạn chế biến mới đưa ra bán tại các siêu thị. Vì vậy, đã làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các DN, trong khi chúng ta có thế mạnh là có nguyên liệu, có nhân công. Nguyên nhân là do công nghệ chế biến của các DN còn thấp, thực chất chỉ là sơ chế nguyên liệu.
Các đơn vị phải làm gia công cho các đối tác nước ngoài một phần cũng là do nguyên nhân trên, nhưng nguyên nhân chính là chưa có một thương hiệu trên thương trường, không có chiến lược lâu dài về xây dựng thương hiệu. Chính vì vậy, hầu hết các DN có các mặt hàng xuất khẩu chỉ nhận được đơn đặt hàng nhỏ giọt với nhiều thua thiệt về giá bán, khả năng phát triển của DN rất hạn chế nên khi có những biến động trên thị trường, các DN này rất khó trụ vững.
Ông Trần Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại Hữu nghị Đà Nẵng cho biết: Để có được thương hiệu của công ty về các mặt hàng giày thể thao trên các thị trường lớn như hiện nay, công ty đã phải hơn 10 năm kiên trì xây dựng với một chiến lược lâu dài, và cũng phải trả giá đắt để có được thương hiệu như hiện nay.
Vì vậy, đầu năm 2009, mặc dù nền kinh tế thế giới vẫn chưa có những dấu hiệu phục hồi, nhưng nhờ có thương hiệu mà công ty vẫn có đủ việc làm cho công nhân và được bạn hàng tin tưởng. Đặc biệt từ đầu năm 2009 đến nay, trong khi nhiều DN phải sa thải công nhân thì công ty đã tuyển thêm gần 200 lao động có tay nghề để bảo đảm giao hàng cho khách đúng thời gian quy định. Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Dệt may 29-3 cho biết:
Mặc dù lúc đầu công ty chỉ làm hàng gia công cho các đối tác nhưng nhờ có chiến lược đầu tư, nhất là việc coi trọng xây dựng thương hiệu nên công ty đã có uy tín với nhiều bạn hàng có quan hệ buôn bán trên thế giới, trong đó có những bạn hàng rất “khó tính” ở Mỹ và một số nước Tây Âu. Vì vậy, hiện nay công ty vẫn hoạt động ổn định và ngày càng phát triển.
Rõ ràng, việc có một thương hiệu do chính DN dày công xây dựng với một kế hoạch, chiến lược lâu dài và những bước đi cụ thể bao gồm tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thì DN mới tồn tại và phát triển. Những kết quả tuy chưa nhiều được nêu trên sẽ là bài học quý để các DN nghiên cứu, rút kinh nghiệm trên bước đường xây dựng thương hiệu.
Song để tạo điều kiện cho các DN xây dựng thương hiệu thì sự hỗ trợ của chính quyền, các cơ quan chuyên môn trong việc định hướng, cung cấp thông tin và quảng bá các sản phẩm ra nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng. Trong đó, đặc biệt quan trọng là việc tạo điều kiện cho các DN tham gia các hội chợ quốc tế và nghiên cứu thị trường ở các nước mà sản phẩm của các DN địa phương có ưu thế.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH