.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2009

.

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu

Ngày 9-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã có buổi làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về kết quả triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất (LS) theo Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi nhanh với Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Giàu về nội dung này.

* P.V: Thưa ông! Ông đánh giá thế nào về kết quả triển khai gói kích cầu của Chính phủ trong thời gian qua?

- Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Việc triển khai chương trình hỗ trợ LS không ngoài mục đích kích thích nền kinh tế, tạo việc làm ổn định cho người lao động trong thời kỳ nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm. Sau hơn một tháng triển khai chương trình này, mặc dù chưa thể đánh giá cụ thể về tác động hiệu quả từ gói kích cầu, nhưng đến ngày 6-3, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ LS đến các DN, cá nhân của các NHTM đã đạt hơn 113 nghìn tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay của nhóm NHTM Nhà nước và Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương là 89.430 tỷ đồng, nhóm NHTM cổ phần là 22.607 tỷ đồng, nhóm ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 1.669 tỷ đồng. Riêng tại Đà Nẵng, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ LS đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng cho hơn 1.100 DN, cá nhân, hộ nông dân.

Mặc dù nguồn vốn này so với hơn 10 nghìn DN đang hoạt động tại Đà Nẵng là  chưa nhiều, nhưng tôi hy vọng trong thời gian tới, với gần 50 tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn Đà Nẵng sẽ thực hiện tốt và đẩy mạnh chương trình cho vay hỗ trợ để DN sớm ổn định sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.

* P.V: Thưa ông! Có thông tin sắp tới sẽ bổ sung thêm lĩnh vực được hưởng hỗ trợ LS của Chính phủ?

- Thống đốc Nguyễn Văn Giàu:
Trong Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc hỗ trợ LS cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh thì có 13 ngành không được hỗ trợ LS như: ngành công nghiệp khai thác mỏ; hoạt động tài chính; ngành quản lý Nhà nước và an ninh quốc phòng, Đảng, đoàn thể, bảo đảm xã hội bắt buộc; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội; hoạt động văn hóa, thể thao; hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn (trừ hoạt động đầu tư xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp); hoạt động phục vụ cá nhân và công cộng (bao gồm cả cho vay thông qua thẻ tín dụng); hoạt động dịch vụ tại hộ gia đình;

hoạt động các tổ chức quốc tế; nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng; đầu tư và kinh doanh chứng khoán; kinh doanh bất động sản dưới hình thức mua, bán quyền sử dụng đất. Nhưng trong thời gian triển khai gói kích cầu vừa qua, NHNN đã nhận được nhiều ý kiến đề xuất từ các DN hoạt động khai thác khoáng sản về việc nên cho DN hoạt động trong lĩnh vực này được hỗ trợ LS để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Vì vậy, NHNN đã có đề xuất với Bộ Tài chính để bổ sung lĩnh vực hoạt động trên nằm trong danh mục được hỗ trợ LS trong thời gian tới.

* P.V: Các ngân hàng thường gặp phải vướng mắc gì trong quá trình triển khai gói kích cầu kinh tế?

- Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: Sau 1 tháng triển khai hỗ trợ LS, vướng mắc lớn nhất mà các ngân hàng gặp phải là việc xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các hóa đơn chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Mặc dù Thông tư số 02 của NHNN đã hướng dẫn cụ thể về quy định đối tượng DN, cá nhân và từng lĩnh vực, ngành nghề được vay vốn hỗ trợ LS, nhưng hiện vẫn còn nhiều ngân hàng quá cẩn trọng trong việc xét duyệt hồ sơ cho vay vốn, thậm chí có ngân hàng còn sợ rủi ro, sợ trách nhiệm… nên việc giải ngân gặp nhiều hạn chế.
 
Vì vậy, để gói kích cầu đạt hiệu quả, trước hết các ngân hàng cần phải nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng về các chính sách tiền tệ của Nhà nước, qua đó nêu cao tinh thần trách nhiệm để thực hiện có hiệu quả các chính sách này. Phải coi việc thực hiện Quyết định 131 ở thời điểm này là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2009 và lấy đó làm động lực để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo.
 
Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết không để cán bộ ngân hàng nào vi phạm, lợi dụng chính sách của Nhà nước làm ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng và Nhà nước. Kịp thời nắm bắt thông tin từ phía khách hàng, thị trường và giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.

* P.V: Xin cảm ơn Thống đốc!
   
 
Ông Trần Trọng Vinh, Phó Giám đốc Ngân hàng Đông Á Chi nhánh Đà Nẵng cho biết:

Sau hơn 1 tháng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Đông Á Chi nhánh Đà Nẵng đã giải ngân cho 110 đơn vị, cá nhân vay vốn với tổng số tiền trên 160 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và thương mại.
 
Điều đáng mừng, có nhiều đơn vị vay vốn đã giải quyết được những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động trong thời điểm kinh tế toàn cầu suy giảm. Điển hình như Công ty CP Dệt-may 29-3, sau khi vay 18 tỷ đồng trong chương trình hỗ trợ LS, đã tìm kiếm được những hợp đồng xuất khẩu ổn định có giá trị hàng triệu USD, tạo thêm việc làm cho hơn 300 lao động mới. Việc triển khai chương trình hỗ trợ LS không những giúp DN ổn định sản xuất và duy trì việc làm cho người lao động, còn giúp cho ngân hàng tăng trưởng tốt hơn về tín dụng.

 
      
Trọng Hùng (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.