.

Tiến độ cầu Trường Định chậm - Vì sao?

.

Cầu Trường Định bắc qua sông Cu Đê, đoạn thuộc xã Hòa Liên (Hòa Vang), kết cấu bê-tông cốt thép vĩnh cửu 2 mố, 8 nhịp, dài 277,45m, rộng 5,6m, tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng, do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng số 72 thi công, khởi công đầu tháng 10-2008. Theo kế hoạch, cuối năm 2009, cầu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Thi công đóng cọc tại mố M1 cầu Trường Định.

Đến nay, đơn vị thi công đã đúc 97 cọc bê-tông, hoàn thành việc đóng cọc thử và đang thực hiện đóng cọc ở mố và các trụ, làm đường công vụ để thi công các trụ giữa dòng... So kế hoạch, tiến độ như vậy là chậm. Trong khi đó, ngày nào chiếc đò ngang vẫn gồng mình chở hàng chục người/chuyến qua sông. Nguyên nhân nào gây nên việc thi công cầu Trường Định chậm? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã tìm gặp các đơn vị liên quan.

Kỹ sư Võ Thanh Bình, cán bộ giám sát thi công (tư vấn giám sát thi công do Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và chuyển giao công nghệ B&R đảm  nhiệm) cho hay: Tiến độ thi công chậm do thay đổi thiết kế sau khi đóng cọc thử không bảo đảm như thiết kế ban đầu. Theo thiết kế, ở mố cầu phía nam (mố M1), đóng 20 cọc loại dài 12m với loại búa 2,5 tấn. Ngày 18-12-2008, đơn vị thi công dùng búa Kobeco loại 2,5 tấn đóng cọc thử và chỉ đến độ sâu 8m là đạt độ chối, không thể xuống thêm được nữa. Trước tình huống đó, đơn vị tư vấn thiết kế quyết định thay bằng búa 3,5 tấn.
 
Ngày 4-3-2009, đơn vị thi công tiếp tục đóng cọc thử với búa máy trên, kết quả là cọc xuống ở độ sâu 10,65m. Từ kết quả này, ngày 5-3-2009, Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và chuyển giao công nghệ B&R có công văn số  06/CV-BR gửi Ban Quản lý Dự án ĐTXD huyện Hòa Vang nêu rõ: “Sau khi kiểm tra số liệu đo đạc tại hiện trường, nhật ký đóng cọc thử, tư vấn thiết kế đã kiểm tra tính toán lại chiều dài cọc tại mố M1 cho phù hợp với độ chối thực tại hiện trường, trên cơ sở bảo đảm điều kiện chịu lực như sau:
 
chiều dài thân cọc 10m, chiều dài mũi cọc 0,65, tổng chiều dài 10,65m. Biện pháp thi công là đào hố móng đến cao độ thiết kế trước khi đóng cọc bằng búa có trọng lượng 3,5 tấn”. Theo ông Lê Văn Thiện, Phó giám đốc đơn vị thi công, thời gian chờ đợi phê duyệt thay đổi thiết kế hơn 2 tháng trời là nguyên nhân gây nên tiến độ công trình chậm.

Từ ngày có thiết kế mới đến nay, trên công trình này không khí thi công rất khẩn trương. Ngày nào đơn vị thi công cũng huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị vừa thực hiện đóng cọc tại mố M1, các trụ, làm đường công vụ, đúc dầm... Bà Phạm Thị Minh Phương, Giám đốc đơn vị thi công cho biết:

Thi công cầu Trường Định gặp không ít trở ngại do mặt bằng thi công quá chật, triển khai khu vực đúc cọc, dầm rất khó khăn khi mà giải tỏa mặt bằng chỉ đúng bằng vệt đường dẫn vào cầu. Bên cạnh đó, cửa sông Cu Đê cạn, vướng cầu Nam Ô  nên việc di chuyển cần cẩu loại lớn trên xà lan lên công trình không thể thực hiện được, đơn vị phải chọn phương án đắp đường công vụ ra giữa dòng rất tốn kém. Tuy vậy, với năng lực của công ty, việc thi công sẽ được đẩy mạnh và cầu Trường Định sẽ hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU       

;
.
.
.
.
.